Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:26 (GMT +7)
Bình Liêu: Bước chuyển dịch cho tăng trưởng bền vững
Thứ 4, 24/06/2015 | 14:26:43 [GMT +7] A A
Nếu như trong giai đoạn 2005-2010, ngành nông nghiệp của huyện Bình Liêu chiếm tỷ trọng lớn so với cơ cấu các ngành kinh tế khác thì 5 năm trở lại đây đang có sự thay đổi ngược lớn. Bình Liêu đang ưu tiên phát triển kinh tế biên mậu và du lịch nhằm tạo ra sự chuyển dịch theo hướng nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Quốc lộ 18C được hoàn thiện phục vụ tốt hoạt động vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Hoành Mô. |
Phát huy thế mạnh
Bình Liêu là một trong 3 địa phương của tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, hơn nữa, đây còn là huyện có đường biên giới trên đất liền dài nhất trong 3 địa phương. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Hoành Mô - Đồng Văn. Phát huy thế mạnh vùng biên, trong giai đoạn 2010-2015, hoạt động kinh tế biên mậu ở Bình Liêu có nhiều khởi sắc. 5 năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua KKTCK Hoành Mô - Đồng Văn đạt 392 triệu USD, tăng bình quân 4,5%/năm; nộp ngân sách 70-80 tỷ đồng mỗi năm. KKTCK đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc, ổn định an ninh - quốc phòng vùng biên.
Còn đối với du lịch, mặc dù “bén duyên” với huyện biên giới Bình Liêu khá muộn, nhưng bước đầu cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2014, sau nhiều nỗ lực quảng bá hình ảnh địa phương, mới có 1 công ty lữ hành tổ chức cho 1 đoàn khách du lịch tới thăm quan Bình Liêu. Ngay sau đó, Bình Liêu liên tiếp đón nhiều đoàn khách tới tham quan, lưu trú. Ngành Du lịch ở Bình Liêu được “đánh thức”. Khách du lịch đến với Bình Liêu vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn những cảnh đẹp đặc trưng của huyện vùng biên giới, khám phá tuyến đường hành lang biên giới và hệ thống cột mốc biên giới, hay hòa mình cùng những nét văn hóa đặc sắc bản địa như nghệ thuật diễn xướng Then (người Tày), hội Soóng cọ (người Sán Chỉ), lễ hội đình Lục Nà, hội hát Sán cố (người Dao)... Thống kê của UBND huyện Bình Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có khoảng 7.000 du khách đến các điểm thăm quan trên địa bàn huyện (trong đó, du khách lưu trú khoảng 600 lượt, du khách tham quan khoảng 6.400 lượt). Con số này đối với huyện biên giới Bình Liêu là điều chưa từng có từ trước đến nay.
Và quyết tâm bứt phá
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, giai đoạn 2010-2015, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Trong đó, dịch vụ tăng lên khoảng 6,58%, công nghiệp và xây dựng giảm khoảng 1,97%, nông - lâm nghiệp giảm khoảng 4,41%. Tỷ trọng này cho thấy địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh việc phát triển các ngành dịch vụ, thay đổi cơ cấu kinh tế để tạo giá trị cao hơn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Tường Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu cho biết: Phát triển kinh tế biên mậu và du lịch đã được huyện xác định là 2 lĩnh vực chủ công để giải bài toán chuyển dịch kinh tế nhanh và bền vững hơn.
5 năm qua, Bình Liêu đã huy động khoảng 1.549 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Nguồn vốn được tập trung để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình có vai trò động lực, tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH, tập trung vào KKTCK Hoành Mô - Đồng Văn, khu vực thị trấn Bình Liêu và hệ thống kết cấu hạ tầng tại khu vực nông thôn. Đến nay, các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch như Quốc lộ 18C, đường Hoành Mô - Đồng Văn đã được hoàn thiện, nhiều km đường liên xã, liên thôn tiếp tục được làm mới. Điều này, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn mà còn tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu và du lịch phát triển mạnh mẽ.
Cùng với việc tiếp tục huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, huyện Bình Liêu đang hoàn thiện các quy hoạch phát triển phù hợp nhằm tạo ra sự bứt phá trong 2 lĩnh vực này. Cụ thể, đối với ngành du lịch, huyện đang gấp rút hoàn thiện các quy trình liên quan để triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cùng Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu. Huyện cũng đã báo cáo UBND tỉnh để sớm công nhận các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch…
Đối với việc phát triển kinh tế biên mậu, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Hoành Mô - Đồng Văn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2014, thời gian tới, huyện sẽ triển khai việc tổ chức phân bố dân cư, đô thị, không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh - quốc phòng. Huyện cũng sẽ triển khai xây dựng cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc); đề nghị nâng cấp cặp cửa khẩu này là cửa khẩu chính, tiến tới nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vào KKTCK, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại đây.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()