Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:46 (GMT +7)
Bình Liêu: Giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống trong trường học
Chủ nhật, 28/05/2023 | 18:10:46 [GMT +7] A A
Khơi dậy niềm đam mê, tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời tạo sân chơi cho các em thể hiện khả năng là cách làm mà ngành Giáo dục Bình Liêu thực hiện, để giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống ở các trường học.
Tới thăm CLB dạy hát then và nghệ thuật truyền thống Trường THCS Lục Hồn, chúng tôi được thấy không khí học tập sôi nổi, say mê. Tại đây, các em học tập chăm chỉ, được các nghệ nhân hướng dẫn cụ thể, cặn kẽ. Thầy giáo Ngô Tiến Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: CLB có 40 học sinh được chọn từ 335 học sinh các khối lớp từ lớp 6 tới lớp 9. Để thu hút các em, nhà trường mời 3 nghệ nhân dạy đồng thời cho các em tham gia các cuộc thi, sự kiện.
"Không chỉ riêng THCS Lục Hồn, hầu hết các trường học ở Bình Liêu đều duy trì các CLB, mô hình dạy hát then, giáo dục về văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Mỗi trường đều có cách làm riêng. Giáo dục nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống, phong tục tập quán… là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất" - thầy giáo Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, chia sẻ.
Một trong những điểm nổi bật làm sống động phong trào giáo dục văn hóa truyền thống là việc duy trì các CLB với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân. Theo đó, ngành Giáo dục, các trường phối kết hợp với các phụ huynh, các nghệ nhân, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện để triển khai. Những nghệ nhân, các phụ huynh có khả năng ca hát sẽ trực tiếp lên lớp “cầm tay chỉ việc” cho các em.
Đồng thời, các nghệ nhân, thầy cô cũng chính là người truyền dạy, khơi dậy đam mê, “đánh thức” lòng tự hào, ý thức việc hiểu phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Một trong những nền tảng thúc đẩy hoạt động này là việc xây dựng nếp sống văn hóa, nét đẹp phong tục tập quán của từng dân tộc trong trường học.
Điều này được xây dựng từ chính việc khuyến khích học sinh học tập cách giao tiếp, ứng xử, mặc trang phục… đặc trưng của dân tộc mình. Bản thân các nhà trường cũng xây dựng phòng truyền thống, thư viện văn hóa trưng bày, lưu giữ, quảng bá những nét đẹp này. Qua đó, các em thêm hiểu, thêm yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
“Không chỉ cứng nhắc là dạy học, việc giáo dục nét đẹp văn hóa được thực hiện mềm mại. Đơn cử như, ngoài dạy các làn điệu, chúng tôi còn chú trọng tạo sân chơi các cấp… để các em thể hiện tài năng, kiến thức đã được giảng dạy” - thầy giáo Vi Tiến Vượng cho biết thêm.
Theo đó, Bình Liêu cũng thường niên tổ chức các chương trình văn nghệ của ngành, chương trình Họa mi vàng, khuyến khích và cho học sinh tham gia biểu diễn ở 4-5 sự kiện văn hóa lễ hội lớn nhất của huyện như Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió, Hội Đình Lục Nà... Trường còn tổ chức cho các em tham gia các lễ hội truyền thống, tổ chức ngoại khóa; khuyến khích các em tham gia biểu diễn ở các ngày lễ, hội hè ở thôn, khu…
Không chỉ tạo một không gian, mô hình cụ thể, ngành Giáo dục Bình Liêu còn có nhiều cách làm để các em tìm hiểu, học tập, phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình như: Tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống vào các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý… Đồng thời tích hợp trong các hoạt động ngoại khóa như: Thi sưu tầm và thuyết trình về văn hóa, hiện vật dân gian các dân tộc; Hành trình khám phá mảnh đất Bình Liêu trong đó tổ chức trưng bày không gian văn hóa, thi tiểu phẩm trình diễn trang phục truyền thống, các trò chơi, ẩm thực dân tộc...
Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng sớm tuyên truyền, thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc tới phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên trong ngành vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần. Cùng nhiều giải pháp đồng bộ như: 100% trường nâng cao giáo dục văn hóa dân tộc; thành lập các CLB Hướng về cội nguồn; tổ chức thi sáng tác, dịch truyện, thơ sang tiếng dân tộc; giáo dục kỹ năng sống gắn với tổ chức môi trường giáo dục, môi trường nội trú mang đặc trưng bản sắc dân tộc…
Có thể nói, nhờ cách làm cụ thể mà cho tới nay, giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống đã sống động, đi vào học tập, trở thành nền nếp thực hiện tốt ở 24 trường trong huyện. Nhiều hoạt động như: Mặc trang phục truyền thống, học tập, tìm hiểu về văn hóa truyền thống... đã thành thói quen, hình ảnh đẹp. Nhiều mô hình, CLB, đặc biệt 20 CLB văn nghệ dân gian ở các trường Tiểu học, THCS... đã có đóng góp thiết thực giáo dục, giúp các em hiểu văn hóa truyền thống hơn qua nghệ thuật truyền thống.
Cá biệt, trong năm 2022, CLB Hát then - Đàn tính của Trường THCS Lục Hồn đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Vừ A Dính vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển miền núi và dân tộc. Qua đó, góp phần quảng bá, khuyến khích các em say mê học tập, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương mình hơn.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()