Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 22:53 (GMT +7)
Bình Liêu: Tạo "chất riêng" cho sản phẩm du lịch
Chủ nhật, 24/11/2024 | 14:50:11 [GMT +7] A A
Thời gian qua, huyện Bình Liêu rất quan tâm phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con các dân tộc. Nhiều trải nghiệm, sản phẩm du lịch mang "chất riêng" đã ra đời, góp phần định vị thương hiệu du lịch Bình Liêu.
Mùa du lịch Thu Đông 2024 này, ngoài tham quan ngắn trong ngày, du khách tới Bình Liêu có thể lưu lại trải nghiệm lễ mừng cơm mới, nghệ thuật ẩm thực các dân tộc Bình Liêu, không gian trình diễn văn hoá dân gian của đồng bào các dân tộc với ẩm thực, ca, vũ, nhạc, nghi lễ mỗi tối thứ bảy... Đây đều là các hoạt động lần đầu được tổ chức, diễn ra trong tháng 11 này. "Để có thêm nhiều sản phẩm, chúng tôi rất quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các đồng bào dân tộc. Trong đó, quan tâm lựa chọn, phát huy các giá trị đặc sắc để phục vụ du lịch, tăng trải nghiệm, giữ chân du khách" - bà Tô Thị Nga, Phó phòng VH-TT huyện Bình Liêu chia sẻ.
Theo đó, để có cơ sở thực hiện hiệu quả công việc này, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hoàn thiện và triển khai nhiệm vụ xây dựng các bản văn hóa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với triển khai thực hiện thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của tỉnh.
Đến nay, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) gồm: Tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho 100% người dân; thành lập ban quản lý phát triển du lịch cộng đồng, CLB văn nghệ truyền thống; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thôn Bản Cáu và khu vực phụ cận đón khách du lịch trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người Tày nhân dịp lễ mừng cơm mới. Huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện nội dung đề án; triển khai tuyên truyền và các công việc thực tế với dự án bản văn hóa người Dao, người Sán Chỉ.
Huyện cũng quan tâm nhiều tới triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phục vụ phát triển du lịch, thu hút khách du lịch, như xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội di sản then, tổ chức gặp mặt và giao lưu với các nghệ nhân, trao quyết định công nhận 2 nghệ nhân ưu tú; giao lưu hát then - đàn tính với các địa phương trong và ngoài tỉnh trong khuôn khổ lễ hội đình Lục Nà...
Đồng thời với đó, huyện đã công bố Quyết định của Bộ VHTT&DL về nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghi lễ mừng cơm mới của người Tày và hội Kiêng gió (xã Đồng Văn); phối hợp tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, thu thập tư liệu và hồ sơ đề nghị di sản văn hóa phi vật thể: Nghi lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và trang phụ dân tộc của người Dao, Sán Chỉ.
Bên cạnh đó, huyện tích cực hướng dẫn thành lập thêm các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống, thể thao dân tộc của người Tày, Dao, Sán Chỉ cấp xã và khu dân cư; tổ chức không gian văn hóa ẩm thực Bình Liêu và các cuộc thi chế biến món ăn truyền thống người dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký đề cử TOP nhà hàng, quán ăn ngon của địa phương...
Có thể nói, việc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Bình Liêu là cơ sở và điều kiện ra đời nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, nhiều nét văn hóa đặc sắc đã được huyện lựa chọn trở thành các sản phẩm du lịch đón khách quốc tế, sản phẩm du lịch cấp tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả công việc này, cần quan tâm lựa chọn nét độc đáo để phát huy, đồng thời quan tâm hơn về hoàn thiện quy hoạch xây dựng; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hút được nguồn lực.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()