Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:59 (GMT +7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Bình Liêu: Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
Thứ 3, 01/11/2022 | 14:01:21 [GMT +7] A A
Ngày 16/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU về phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 1 năm thực hiện nghị quyết đã mang lại những chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
Năm học 2022-2023, Trường THCS thị trấn Bình Liêu là đơn vị thí điểm của huyện Bình Liêu triển khai tổ chức đánh giá thực trạng, khảo sát nhu cầu, xây dựng các tiêu chí tuyển sinh lớp chất lượng cao, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng trường học cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Đây là một trong những khâu đột phá của nhiệm vụ phát triển GD&ĐT huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được xác định trong Nghị quyết 05-NQ/HU.
Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bình Liêu Hoàng Thị Niên cho biết: Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên nhà trường tổ chức tuyển sinh một lớp chất lượng cao (lớp 6A) trong toàn huyện với 40 học sinh (39 học sinh của thị trấn và 1 học sinh xã Húc Động) bằng hình thức thi tuyển. Theo đó, đầu vào của học sinh được tuyển chọn kỹ lưỡng với năng lực đồng đều nhau, tạo cơ sở thuận lợi cho việc đào tạo mũi nhọn của nhà trường. Có thể khẳng định chính từ Nghị quyết 05-NQ/HU đã tạo nền tảng để các cơ sở giáo dục mạnh dạn triển khai những mô hình, phương pháp dạy và học mới, chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu GD&ĐT.
Không riêng Trường THCS thị trấn Bình Liêu, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/HU, toàn ngành giáo dục huyện Bình Liêu tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngành đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 3500/KH-UBND ngày 29/10/2021 về thực hiện đề án phát triển GD&ĐT nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong năm học 2021-2022 với những chỉ tiêu, phương hướng, giải pháp giáo dục và đào tạo bám sát tình hình thực tế địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án: Sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế đối với hệ thống cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND huyện Bình Liêu đến năm 2025; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS...
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu Vi Tiến Vượng cho biết: Bám sát chỉ đạo của UBND huyện, ngành giáo dục đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện 4 khâu đột phá tại Nghị quyết 05-NQ/HU trong năm học 2021-2022 gồm: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng đầu vào các cấp học, nhất là chất lượng đầu vào lớp 10 THPT; quan tâm phát triển toàn diện cho học sinh cả về thể chất và năng lực (đức - trí - thể - mỹ), tăng cường giáo dục văn hóa, kỹ năng cho học sinh và tập trung phát hiện, bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, học sinh có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới. Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện 9 mục tiêu chủ yếu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra trong nghị quyết.
Theo đó, ngành giáo dục huyện tập trung đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của huyện theo cấp học, môn học để hỗ trợ các trường trong huyện xây dựng những chuyên đề dạy học phù hợp với đặc thù của học sinh từng trường và phát triển các chủ đề dạy học, giáo dục gắn với đặc thù kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện. Công tác bố trí nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục, cải tạo, sửa chữa các trường, điểm trường tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Tính đến nay, toàn ngành giáo dục huyện Bình Liêu (tính cả cấp THPT) có 703/834 cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn trình độ, tăng 8,6% so với năm học 2020-2021; có 21/24 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 87,5%. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm đầu tư, số lượng học sinh tham gia vào các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thể thao cấp tỉnh và cấp cụm tăng cả về số lượng và chất lượng với 50% số lượng học sinh dự thi đoạt giải. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81,38%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 47,42%; 100% học sinh DTTS được định hướng nghề nghiệp.
Thời gian tới, Bình Liêu tiếp tục tập trung thực hiện phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có uy tín; quy hoạch mạng lưới và xây dựng trường học theo hướng chuẩn hóa; xây dựng mô hình trường cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao ở mỗi cấp học... Qua đó, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết 05-NQ/HU đề ra, từng bước xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trúc Linh
- Phát triển nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công
- Nâng chất nguồn nhân lực du lịch
- Phục hồi nguồn cung nhân lực du lịch: Chú trọng cả lượng và chất
- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững
- Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Hiệu quả của liên kết đào tạo nguồn nhân lực
- Nỗ lực phát triển nguồn nhân lực y tế
Liên kết website
Ý kiến ()