Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:29 (GMT +7)
Bình ổn giá cả
Thứ 4, 03/08/2022 | 08:12:15 [GMT +7] A A
Suốt một thời gian dài vừa qua, do tác động của giá xăng, dầu tăng cao nên các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng chịu tác động tăng theo, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu để ổn định cuộc sống.
Để giảm nhiệt giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022, giá các mặt hàng xăng, dầu đã có 4 kỳ giảm liên tiếp. Trong đó, ở kỳ giảm gần đây nhất, giá xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít, còn 24.620 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít, còn 25.600 đồng/lít. Dầu diesel cũng giảm nhưng với mức cao hơn là 950 đồng/lít, còn 23.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 710 đồng/lít, còn 24.530 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá 16.540 đồng/kg so với kỳ trước.
Việc xăng, dầu điều chỉnh giảm giá liên tiếp là niềm mong mỏi của nhiều người dân, doanh nghiệp khi tác động trực tiếp đến đời sống, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, thế nhưng theo khảo sát ngoài thị trường thì các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm vẫn được các tiểu thương, chủ cửa hàng bán ở mức cao như thời kỳ xăng, dầu chưa được giảm giá.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Trong đó, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, cần tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt các giải pháp, theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Giá xăng, dầu giảm không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người dân vơi bớt khó khăn, mà còn kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm giảm, từ đó thúc đẩy bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, kích cầu tiêu dùng. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương liên quan, công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ được tăng cường trong thời gian tới, qua đó bình ổn giá cả thị trường tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()