Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 07:49 (GMT +7)
Bình ổn thị trường cuối năm
Thứ 5, 29/11/2012 | 07:13:19 [GMT +7] A A
Còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2012 đồng thời chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Do vậy, một trong những nhiệm vụ được đặt ra ở thời điểm này chính là bình ổn thị trường để góp phần đảm bảo an sinh và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ngay từ tháng 10, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo đó, có 7 mặt hàng thiết yếu thuộc chương trình bình ổn, gồm: Gạo các loại, miến và nguyên liệu làm miến; thịt lợn và thịt gia cầm; trứng gia cầm; đường RE, sữa; rau, củ, quả; dầu ăn. Cũng như mọi năm, điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia chương trình này được quy định hết sức chặt chẽ, cụ thể nhằm mục đích phát huy tốt nhất hiệu quả.
Ngày 26-11-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định (3119/QĐ-UBND) phê duyệt 12 doanh nghiệp và 1 hộ kinh doanh tham gia chương trình với tổng số vốn vay là 29,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính tỉnh với lãi suất 0%, thời hạn doanh nghiệp trả nợ vay là 31-3-2013.
Đáng chú ý là không phải 100% địa phương trong tỉnh có doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia chương trình bình ổn giá thị trường. 6 địa phương vắng bóng doanh nghiệp tham gia chương trình này là Hoành Bồ, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cô Tô, Đông Triều, Móng Cái. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để người dân ở 6 địa phương này cũng được hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá. Bởi, hàng hoá do doanh nghiệp tham gia chương trình này buộc phải thực hiện nguyên tắc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5%.
Trong số 12 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký thì Cẩm Phả và Uông Bí chiếm số lượng hơn một nửa. Những địa phương còn lại đều chỉ có 1 doanh nghiệp, vì vậy, khả năng vươn ra ngoài phục vụ thị trường lân cận là rất khó. Ở đây cần sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, rất cần lưu ý việc công bố các điểm bán hàng bình ổn giá trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Qua thực tế các năm triển khai cho thấy, với tấm băng rôn căng tại điểm bán hàng thì khó phổ biến đến đông đảo người dân. Không chỉ vậy, đường dây nóng do Sở Công thương đảm nhiệm để tiếp nhận thông tin về diễn biến thị trường cũng rất cần được công bố rộng rãi để mọi người cùng tham gia giám sát việc triển khai thực hiện của doanh nghiệp.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()