Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:46 (GMT +7)
Bình Phước: Dấu ấn Bù Đăng qua lễ hội Bom Bo
Thứ 3, 03/12/2024 | 23:29:11 [GMT +7] A A
Tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng được bồi đắp qua triệu năm cùng với những giá trị hiện tại, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng (14-12-1974 - 14-12-2024), trong 3 ngày từ 8 đến ngày 10-11-2024, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Bù Đăng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng 34 dân tộc trên mảnh đất Bù Đăng anh hùng qua lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Khởi nghiệp qua miền danh thắng
Bù Đăng được thiên nhiên ưu đã ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Đứng, Thác Voi gắn liền với các giá trị văn hóa phi vật thể như nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cầm, nấu rượu cần... của đồng bào các dân tộc trên dãy núi phía Đông Trường Sơn hùng vĩ. Đây được xem là lợi thế để Bù Đăng phát triển ngành du lịch sinh thái gắn liền với du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng nông thôn. Giới thiệu về tiềm năng du lịch tại hội nghị Khởi nghiệp du lịch năm 2024 được tổ chức chiều 8-11, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười cho rằng: “Tài nguyên, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện Bù Đăng được ví như nàng công chúa đang ngủ trong rừng, rất cần hoàng tử đánh thức”.
Mặc dù lần đầu tiên tổ chức hội nghị Khởi nghiệp du lịch, nhưng Bù Đăng đã thu hút hơn 20 nhà lữ hành đến từ các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tham gia. Hội nghị đã ra mắt Tour du lịch kết nối Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Đây là hoạt động mở đầu cho chương trình Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Bù Đăng. Ngay trong ngày đầu ra mắt đã có hàng trăm du khách từ tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan các điểm du lịch sinh thái gắn với lịch sử trên địa bàn huyện Bù Đăng.
Sáng 9-11, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 chính thức khai mạc tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Mở đầu lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Bù Đăng đón bạn” và “Bom Bo – Vang mãi tiếng chày”. Đây là một trong những điểm nhấn trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng trên sóc Bom Bo nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng nói chung. Lễ khai mạc đã ôn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển huyện Bù Đăng kể từ ngày giải phóng, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo. Nơi đây, đồng bào S’tiêng đã vượt qua bao gian khó trong lửa đạn của chiến tranh để ngày đêm giã gạo nuôi quân; tiếp lương tải đạn cho bộ đội đánh thắng kẻ thù, góp phần giải phóng Bù Đăng, Phước Long và tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nhấn mạnh: Về với Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” là về với những kỷ niệm, với hoài niệm, với trải nghiệm vô cùng thú vị trong không gian đặc quánh mang tính văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ Bù Đăng.
Đánh thức bản sắc văn hóa
Song song với các hoạt động trong Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” là những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của các tộc người trên vùng đất Bù Đăng. Các cuộc thi: cõng nước, đẩy gậy, giã gạo đã tạo khí thế thi đua sôi nổi cho các vận động viên. Thông qua các hoạt động này, du khách đã cảm nhận được những giá trị, sức sống mãnh liệt, cùng với tinh thần yêu nước để xây dựng tinh thần đại đoàn kết của 34 dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của chương trình Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” là lễ hội Kết bạn cộng đồng. Lễ hội này được tổ chức trong không gian văn hóa cộng đồng của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống cổ xưa của cộng đồng người S’tiêng cùng với các tộc người cộng cư từ cao nguyên Langbiang đến phía Đông của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Huyện Bù Đăng hiện có 34 dân tộc, trong đó hơn 40% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong kễ hội kết bạn lần này, huyện Bù Đăng đã phục dựng và mở rộng tới cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang định cư trên địa bàn huyện Bù Đăng. Qua đó giúp cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện có thêm cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao truyền và bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại.
Xuyên suốt trong chuỗi hoạt động của Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” là cảnh sinh hoạt của Hội chợ thương mại ẩm thực huyện Bù Đăng. Bù Đăng có 34 dân tộc là 34 sản vật đặc trưng ở 16 xã, thị trấn hội tụ trong hội chợ lần này. Đọt mây, lá nhíp, cơm lam, canh thục của đồng bào S’tiêng hòa chung cùng những món ăn của các cộng đồng trên vùng đất Bù Đăng đã tạo nên một lễ hội ẩm thực truyền thống mang đậm bản sắc trong văn hóa ẩm thực riêng có của Bù Đăng.
Trong không gian của lễ hội, giải Việt dã với chủ đề “Đường về sóc Bom Bo” lần đầu tiên được huyện Bù Đăng tổ chức đã thành công ngoài mong đợi. Số vận động viên tham gia đăng ký thi đấu lúc đầu chỉ có 30 đoàn với gần 500 vận động viên chuyên nghiệp từ 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thế nhưng đến giờ khai mạc, số vận động viên tham gia giải đấu đã tăng lên gần 2.000 vận động viên và du khách, cổ động viên trong và ngoài tỉnh cùng tham dự giải.
Vang mãi tiếng chày Bom Bo
Một trong những chương trình nổi bật của lễ hội là biểu diễn nghệ thuật với 50 bộ đàn đá và cồng chiêng đang hiện diện tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Khởi phát của những bộ đàn đá nơi đây được tìm thấy tại xã Thọ Sơn có niên đại cách đây từ 3.000-2.800 năm trước công nguyên. Bộ đàn đá này nhanh chóng được xác lập kỷ lục Việt Nam với khối lượng 20 tấn, lớn nhất Việt Nam đang được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Câu chuyện giã gạo của đồng bào dân tộc S’tiêng trên sóc Bom Bo diễn ra từ năm 1965 của thế kỷ trước. Thế nhưng, trong những ngày này, hào khí giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng năm xưa được 16 đội đại diện cho 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tái hiện một cách sinh động qua hội thi giã gạo trong chuỗi hoạt động của lễ hội.
Đêm Bom Bo trở nên lung linh và sống động hơn khi chương trình Đêm hội Bom Bo chính thức bắt đầu. Đại diện lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành, đơn vị kết nghĩa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các ban, sở, ngành, huyện, thị, thành phố của tỉnh cùng hàng ngàn đồng bào trong và ngoài huyện Bù Đăng đổ về thưởng thức chương trình nghệ thuật Đêm hội Bom Bo. Phát biểu khai mạc Đêm hội Bom Bo, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười đã nhắc lại: “Trong những ngày chuẩn bị lương thực cho chiến trường, trên nương rẫy, bưng bàu như những ngày hội lớn, nhân dân nô nức thi đua suốt lúa, tập trung thóc vào kho hậu cần. Trước yêu cầu cao điểm phục vụ lương thực cho chiến dịch, với quyết tâm cao, bằng sự sáng tạo của mình, đồng bào sóc Bom Bo đã huy động toàn bộ cối, chày hiện có, và còn dùng cây sao dài đục thành hàng chục lỗ cối, với chày tay giã gạo kịp thời phục vụ cho chiến dịch. Sau gần 3 ngày đêm giã gạo liên tục, nhân dân sóc Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo phục vụ chiến dịch”.
Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười khẳng định: Hào khí giã gạo nuôi quân cùng với niềm tin chiến thắng và bản sắc văn hóa cộng đồng người S’tiêng từ trong kháng chiến sẽ còn tiếp tục vang mãi trong tiến trình xây dựng và phát triển mảnh đất Bù Đăng anh hùng. Đến với Bù Đăng là đến với những khám phá kỳ vĩ của nét đẹp thiên nhiên, của bản sắc văn hóa trên vùng đất và con người nghĩa tình của Bù Đăng. Đó là nét đẹp tiềm ẩn, khác biệt của Bù Đăng đang chờ đợi sự khơi mở của du khách để Bù Đăng phát triển đi lên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()