Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:20 (GMT +7)
Bình Phước: Khát vọng vươn tầm nông sản Việt
Thứ 6, 12/04/2024 | 17:20:56 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm nông sản. Nắm bắt xu thế thời đại, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã và đang phát huy lợi thế để đưa nông sản địa phương vươn ra thị trường quốc tế.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028), Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số tỉnh Bình Phước.
Vươn ra biển lớn
Là một trong những đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị về sở hữu trí tuệ (ASEAN Build Programme) tổ chức tại Manila, Philippines vào tháng 8-2023, anh Hoàng chia sẻ: Mang theo những trái bơ Việt Nam, đặc biệt là bơ Mã Dưỡng trồng ở Bình Phước đến Philippines, tôi tự hào được mang hình ảnh nông nghiệp công nghệ cao của Bình Phước đến bạn bè ASEAN, Hồng Kông, Trung Quốc. Đây là cơ hội để kết nối, giao thương và đưa sản phẩm nông nghiệp từ trang trại đến bàn ăn.
Anh Hoàng cho biết, bơ Mã Dưỡng béo dẻo, vị ngọt thanh hậu mà những giống bơ khác không có được. Thái Lan là cường quốc về nông nghiệp, đặc biệt là cây sầu riêng nhưng với cây bơ, họ cũng phải học hỏi chúng ta về công nghệ. So với trái bơ ở nước ngoài, bơ Việt Nam to và đẹp hơn. Có thể do phù hợp khí hậu và đất đỏ bazan ở Bình Phước nên hình dáng, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng ăn ngọt hậu, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Bơ Mã Dưỡng có giá trị xuất khẩu cao. Tham gia hội thảo về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Philippines, thương hiệu Bơ ông Hoàng vinh dự được nhận chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Hiện Bơ ông Hoàng và tiêu organic của nông trại đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã có trên kệ tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
“Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam qua các sản phẩm lúa gạo chứ chưa biết nhiều đến các loại cây ăn trái. Tôi mong thời gian tới có nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao gắn với cây ăn trái là đặc sản vùng miền để nâng cao giá trị xuất khẩu. Chúng ta nên xây dựng những câu chuyện gắn với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số để lan tỏa thương hiệu quốc gia trong nông nghiệp. Tôi tin rằng, thế hệ trẻ Việt Nam nối tiếp sẽ cùng nhau góp sức để có thể ghi tên Việt Nam trên bản đồ nông sản toàn cầu” - anh Hoàng nhấn mạnh.
Chuyển đổi số nông nghiệp - không thể bỏ lỡ
Với 50 ha cao su, hồ tiêu và bơ, anh Hoàng đang áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong quản lý, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, như: hệ thống tưới tự động sử dụng năng lượng mặt trời, camera giám sát, máy bay không người lái, giới thiệu sản phẩm/nhật ký số, thương mại điện tử… Anh Hoàng khẳng định: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp là chuyến tàu không thể bỏ lỡ, là con đường tất yếu để tiết giảm chi phí, minh bạch “lý lịch” sản phẩm và quá trình sản xuất để người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa”.
Chia sẻ về chi phí đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, anh Hoàng cho biết: Kinh phí đầu tư ban đầu lớn thì mình chia nhỏ, đầu tư theo kiểu cuốn chiếu. Ví dụ, năm nay đầu tư 1 ha bơ, năm sau tiếp tục đầu tư 1 ha khác để dần dần cả khu vườn đều được áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, trong một khu vườn nên trồng những loại cây khác nhau tránh tình trạng “để trứng vào một rổ” và vườn lúc nào cũng có thu, có việc làm cho người lao động.
Tại Nông trại Thiên Nông, hết mùa bơ sẽ tới mùa tiêu, kết thúc mùa tiêu sẽ tới mùa cao su. Ngoài ra, trồng tiêu có thể kết hợp chăn nuôi bò, dê. Lá cẩm, lá keo từ những trụ sống trồng hồ tiêu có thể cắt làm thức ăn cho dê và dùng phân dê bón cây bơ, cây tiêu, từ đó tạo thành một mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện nông trại tạo việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên và thời vụ là đồng bào dân tộc S’tiêng, Khmer.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước Trần Quốc Duy cho biết: Trung tâm đã đồng hành, hỗ trợ Nông trại Thiên Nông kết nối với các chuyên gia để tiếp “lửa” và nguồn lực về tri thức, kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chúng tôi đã đồng hành với nông trại tổ chức các chuyến giao lưu, học hỏi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các bạn trẻ khởi nghiệp trong tỉnh cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để tìm ra những định hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Là một trong 11 thanh niên tiêu biểu khu vực châu Á được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chọn hỗ trợ kinh phí với lãi suất ưu đãi trong hợp phần hỗ trợ kỹ thuật hạt giống của ADB, anh Hoàng có cơ hội tham gia nhiều chương trình ý nghĩa của ADB, như: đào tạo nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận công nghệ mới trên các lĩnh vực mà ADB tài trợ. Trong năm 2023, anh Hoàng đã tham gia các chương trình của ADB đến Ấn Độ, Thái Lan… tham quan những mô hình kinh tế cũng như chia sẻ câu chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao của bản thân và mang các sản phẩm nông nghiệp trong nước giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Cố gắng, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp, anh Hoàng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh trao giải “Chọn nước Pháp, chọn thành công” năm 2022; đạt giải cuộc thi “Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực” cho các nước khu vực Tiểu vùng sông Mekong do ADB tổ chức năm 2022; giải thưởng top 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023....
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()