Sau hơn một tuần giao dịch quanh vùng 70.000 USD, Bitcoin (BTC) bắt đầu sụt giá từ sáng nay. Thị giá tiền số lớn nhất thế giới bốc hơi hơn 2.700 USD trong vài phút, lùi về khoảng 66.500 USD một đơn vị. BTC tiếp tục điều chỉnh suốt buổi chiều, rồi kích hoạt đà giảm mạnh trong tối nay.
Đến khoảng 20h35, tiền số này rớt về 64.586 USD một đơn vị, tức giảm khoảng 7,2% trong 24 giờ.
Các đồng tiền mã hóa khác cũng diễn biến tiêu cực như Ether giảm 8,3%, Binance Coin sụt gần 7%, Solana mất giá gần 10% hay XRP đi lùi hơn 5% so với tham chiếu.
CoinDesk cho rằng đợt điều chỉnh này là diễn biến thường thấy khi sự kiện halving đang đến gần, dự kiến vào giữa hoặc cuối tháng 4. Cứ bốn năm một lần, halving Bitcoin làm phần thưởng khai thác của thợ đào giảm một nửa, khiến giá tiền số lớn nhất thế giới biến động mạnh. Thông thường, trước đợt halving, thị giá Bitcoin có xu hướng điều chỉnh, sau đó mới tăng trở lại.
Một số nhà phân tích cho rằng sự kiện năm nay được dự báo rõ ràng, giúp hạn chế phản ứng lớn trên thị trường. Chuyên gia của sàn giao dịch Lmax Digital cho biết chúng ta bước vào đợt halving khi Bitcoin vừa đạt mức cao kỷ lục mới, do đó khó có thể kéo dài thời gian giữ giá. Thị trường cần trải qua giai đoạn điều chỉnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tin biến động giá hôm nay của Bitcoin liên quan đến các dữ kiện vĩ mô. Chỉ số USD - thước đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ, lần đầu tiên vượt mốc 105 kể từ giữa tháng 11/2023, sau khi chỉ số PMI tăng bất ngờ trong tháng 3 và vượt kỳ vọng của thị trường.
Diễn biến này cho thấy lĩnh vực sản xuất, vốn chịu ảnh hưởng bởi lãi suất cao, đang phục hồi. Như vậy, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sẽ càng thu hẹp. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường dự đoán có 58% cơ hội Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6, giảm so với mức 64% của tuần trước.
USD mạnh hơn thường làm cho các tài sản được định giá bằng nó, chẳng hạn như Bitcoin và vàng, trở nên đắt hơn và kém hấp dẫn hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư. Hơn nữa, tờ bạc xanh giữ giá cao liên tục có thể dẫn đến thắt chặt tài chính toàn cầu, làm giảm lực cầu đối với tài sản rủi ro.
Ý kiến ()