Tất cả chuyên mục

Dù sở hữu đến gần 100 nghề truyền thống, nhưng hiện TX Quảng Yên mới có 5 nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: Nghề truyền thống làm bánh gio Phong Cốc; nghề làm bún Hiệp Hoà; nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Đò Chanh; làng nghề đan ngư cụ Hưng Học; làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương. Tuy vậy, trong nhịp sống hiện đại, trước biết bao thách thức, để “giữ lửa” làng nghề truyền thống là một hành trình thật gian nan.
Nốt trầm của những làng nghề trăm tuổi
Nghề đóng thuyền gỗ ở làng Phong Lưu xưa, nay là Cống Mương, phường Phong Hải đã được hình thành từ hơn 400 năm trước. Tại đây, rất nhiều loại tàu thuyền vươn khơi bám biển đã ra đời, nhưng nổi tiếng nhất là loại thuyền ba vát chạy buồm cánh dơi với ưu điểm có thể chạy được ngược nước, ngược gió. Vào năm Thành Thái thứ 8, nhà vua đã có sắc phong ngợi ca tay thợ tài hoa của làng đóng thuyền Phong Lưu. Làng nghề này cũng được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2014.
Có truyền thống lâu đời và đáng tự hào là thế, tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây làng nghề này không còn đóng mới thêm con tàu nào do không có đơn đặt hàng. Chục năm trước, cả làng có gần 30 xưởng đóng tàu vỏ gỗ với khoảng 500 thợ, đóng mới 30 chiếc/năm thì nay chỉ còn khoảng 8 xưởng với vài chục thợ vẫn cố gắng duy trì nghề nhưng công việc rất ít, chủ yếu là bảo dưỡng, sửa chữa tàu chứ không có đóng mới. Cùng với đó là một số quy định về hạn ngạch cấp phép khai thác thuỷ sản và tàu đánh bắt vùng lộng phải từ 15 mét trở lên khiến giá thành đóng mới tàu thuyền thêm tăng cao, khó tìm được nguồn cung gỗ kích cỡ lớn để đóng thuyền.
Trò chuyện với nghệ nhân Lê Đức Chắn (phường Phong Hải, TX Quảng Yên), người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân từ năm 2022, ông cho biết: Bản thân gia đình tôi cũng gặp không ít khó khăn để duy trì được xưởng đóng thuyền. Thiết nghĩ đã đến lúc làng nghề chúng tôi cần phải tính toán để chuyển đổi cơ cấu, thay vì chỉ đóng thuyền vỏ gỗ thì cũng phải nghĩ đến việc học hỏi kỹ thuật để đóng được cả thuyền vỏ thép, có như thế mới kiếm được nhiều đơn đặt hàng. Có việc thì mới duy trì được đội ngũ lao động gắn bó với nghề. Chứ như hiện nay, nhiều nhà cũng bỏ xưởng đi nuôi hà để lo cho cuộc sống hết rồi. Người trẻ theo nghề cũng ngày một ít đi.
Còn tại làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (phường Nam Hòa) - một làng nghề được hình thành từ giữa thế kỷ 15, mang đặc trưng sông nước của vùng đảo Hà Nam thì tình hình cũng không khả quan hơn. Trước kia làng nghề có trên 300 hộ gia đình làm nghề đan ngư cụ thì nay chỉ còn chưa đến chục hộ gắn bó với nghề.
Ông Đặng Văn Ban sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề đan ngư cụ và đã gắn bó với nghề gần 50 năm. Mặc dù hiện nay nghề này đang dần mai một nhưng những người tâm huyết với nghề như gia đình ông Ban vẫn đang cố gắng bằng nhiều cách giữ lấy nghề mà cha ông trao truyền lại.
Ông Ban chia sẻ: Với phương thức đánh bắt hiện đại, nhu cầu đánh bắt bằng ngư cụ truyền thống ngày một giảm. Những năm gần đây, nhu cầu thị trường không nhiều, thu nhập của người lao động thấp đi, làng nghề gặp nhiều khó khăn. Những người tâm huyết với nghề phải rất gian nan mới có thể duy trì sản xuất và tìm mối tiêu thụ. Như bản thân tôi cũng phải đi đến các địa phương có làng nghề đan lát khác để học hỏi cách làm của họ, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, đồng thời cũng đã nghĩ đến việc có thể tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan.
Cách nhà ông Ban 2-3 nhà là gia đình ông Hoàng Văn Dũng và bà Đỗ Thị Báu. Hai ông bà cũng tranh thủ lúc nông nhàn để đan lờ theo đơn đặt hàng của khách. Trung bình một ngày mỗi người chỉ đan được 5-6 chiếc lờ, thu nhập vài chục nghìn đến 100.000 đồng/ngày. Ông Dũng cho biết: Những người giữ nghề của làng không còn nhiều và nay cũng đều đã cao tuổi, trong khi không tạo được lớp thế hệ kế cận. Các hộ gia đình cũng chỉ làm thời vụ như một công việc kiếm thêm chứ nhu cầu đặt hàng bây giờ ngày càng giảm sút.
Sự lo lắng nghề truyền thống sẽ bị mai một không còn là nỗi lo xa mà đã hiện diện ngày một rõ hơn ở 2 làng nghề trăm tuổi của Quảng Yên.
Du lịch làng nghề chưa tạo được sức hút
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch làng nghề tại Quảng Yên chưa thực sự tạo được sức hút lớn. Từ cuối năm 2013, hãng lữ hành Saigontourist cũng đã thí điểm dẫn tour khách châu Âu về các làng nghề Quảng Yên nhưng lượng khách khi đó còn khiêm tốn và chưa đều đặn, trung bình mỗi năm chỉ từ 20-30 đoàn khách. Trong giai đoạn này thị xã Quảng Yên rất tích cực khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đến nghiên cứu, xây dựng thành các tour du lịch hấp dẫn để đón khách. Tuy nhiên những nỗ lực đó của địa phương chưa mang lại nhiều kết quả.
Đến năm 2019, dịch Covid-19 ập đến, hoạt động du lịch trên toàn tỉnh bị “đóng băng”, kéo theo sự “đóng băng” của du lịch làng nghề tại Quảng Yên. Cho đến nay, Quảng Yên chưa thể khôi phục hoạt động du lịch làng nghề vì lượng khách quá ít, các hãng lữ hành chưa thực sự “mặn mà”, trong khi Quảng Ninh còn nhiều điểm đến khác hấp dẫn nên du lịch làng nghề không phải là sự lựa chọn ưu tiên.
Một lý do quan trọng hơn là bản thân các làng nghề cũng chưa hội đủ điều kiện để trở thành một điểm du lịch thực sự hấp dẫn. Người dân tại các làng nghề hiện nay cơ bản vẫn làm nông nghiệp là chính, việc làm thuyền, đan ngư cụ và phục vụ phát triển du lịch vẫn chỉ theo thời vụ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Mua bán sản phẩm đang dưới hình thức truyền miệng, biết tiếng đến mua chứ chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào đứng lên thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Thêm nữa, trước đây du khách đa phần chỉ dừng chân tại các làng nghề để tham quan, tìm hiểu về nghề, còn tại đây chưa có khu vực bày bán sản phẩm, hoặc chuỗi dịch vụ đi kèm để quảng bá các sản phẩm của làng nghề, vì vậy doanh thu từ du lịch chưa lớn.
Để giữ gìn nghề truyền thống này, đã có nhiều hộ gia đình tự mày mò tạo ra các sản phẩm lưu niệm có mẫu mã đẹp, mang đặc trưng của làng nghề, ví dụ như gia đình ông Nguyễn Anh Sáu ở phường Nam Hòa với những chiếc thuyền nan thu nhỏ, trở thành sản phẩm OCOP của địa phương và được hỗ trợ nhãn hiệu, bao bì, túi xách, tờ rơi, logo sản phẩm, gia đình ông Lê Đức Chắn với mô hình thuyền ba vát thu nhỏ, nhưng số lượng người tham gia sản xuất chưa nhiều.
Thực tế để sống được với nghề này còn muôn vàn điều khó, sản phẩm mất nhiều công sức để làm ra nên giá thành còn cao, lượng tiêu thụ chưa nhiều, thu nhập tính trên ngày công không đáng là bao.
PGS.TS Vũ Văn Viện, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Hạ Long, cho rằng: Sản phẩm thuyền ba vát rất độc và lạ, trên cả nước không nơi đâu có. Tuy nhiên, khi biến thuyền ba vát buồm cánh dơi thành sản phẩm lưu niệm thì không hiệu quả bởi giá thành cao, không tiện lợi để vận chuyển, khó trở nên phổ biến rộng rãi.
Dẫu biết rằng còn muôn vàn khó khăn để tìm ra hướng phát triển bền vững cho các làng nghề nhưng gìn giữ những giá trị của làng nghề là trách nhiệm không chỉ của người dân làng nghề, mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương. Cùng với những giải pháp, định hướng của TX Quảng Yên trong thực hiện đề án Bảo tồn, phát triển làng nghề TX Quảng Yên giai đoạn 2021-2025, những lớp nghệ nhân của làng nghề cũng đang nỗ lực để thích nghi cùng thời cuộc với hi vọng những giá trị tinh hoa mà cha ông để lại còn mãi với thời gian.
Ý kiến ()