"Trong vài ngày tới, Bitcoin sẽ chính thức bước vào 'vùng nguy hiểm', tức quá trình giảm giá mạnh, điều vẫn xảy ra trong các đợt halving trước đây", nhà phân tích tiền điện tử nổi tiếng Rekt Capital nhận định trên X ngày 18/3.
Để hạn chế lạm phát khi quá nhiều người tham gia khai thác tiền số, Nakamoto Satoshi - cha đẻ Bitcoin - đã thêm một đoạn code để cứ sau 210.000 khối khai thác, phần thưởng cho thợ đào sẽ bị giảm một nửa. Thuật toán này được gọi là Bitcoin halving và diễn ra trung bình bốn năm một lần. Trong lần đầu năm 2012, phần thưởng giảm từ 50 xuống 25 Bitcoin mỗi khối. Đợt halving thứ tư dự kiến vào ngày 20/4 và khi đó, thợ đào chỉ nhận được 3,125 Bitcoin khi mở khối mới.
Bitcoin halving là gì?
Theo Rekt Capital, lịch sử halving cho thấy giá Bitcoin sẽ giảm mạnh trong vòng 14-28 ngày trước sự kiện, còn gọi là "vùng nguy hiểm". Đợt giảm nhiều nhất là năm 2016, khi đồng tiền số này lao dốc 40%, trong khi năm 2020, giá Bitcoin giảm 20%.
Còn 31 ngày nữa sẽ tới đợt halving tiếp theo, nhưng CoinMarketCap thống kê Bitcoin đã giảm 10% từ mức cao nhất mọi thời vào ngày 14/3 là 73.835 USD xuống 63.000 USD mỗi đồng.
Dù giá giảm, người chơi tiền số tin thị trường sẽ tăng mạnh trong năm nay. Do số Bitcoin thưởng cho thợ đào ít đi, giá đồng này thường lập đỉnh trong vòng một năm sau halving. Theo biểu đồ về chỉ số tham lam và sợ hãi của Binance, người chơi hiện nghiêng về "tham lam" với 79 điểm, tức tích cực mua vào thay vì bán ra.
Trong lĩnh vực tiền mã hóa, chỉ số sợ hãi và tham lam là yếu tố quan trọng thể hiện tâm lý người chơi. Nhà đầu tư thường có xu hướng tham lam khi thị trường tăng, dẫn đến FOMO (sợ bỏ lỡ). Trong khi đó, họ có thể bán tháo tài sản khi thị trường liên tục giảm. Chỉ số này trở thành tham chiếu giúp nhà đầu tư không rơi vào bẫy tâm lý quá lo lắng hoặc quá hưng phấn.
Giới chuyên gia cũng đang lạc quan khi Bitcoin đi xuống. Theo CNBC, Kris Marszalek, nhà đồng sáng lập và CEO Crypto.com, đánh giá việc Bitcoin hạ giá gần đây là "động thái lành mạnh".
Richard Teng, CEO Binance, kỳ vọng Bitcoin tiếp tục phá kỷ lục, vượt qua mức 80.000 USD vào cuối năm khi nguồn cung giảm và nhu cầu tăng, nhưng nhấn mạnh việc tăng trưởng không phải "đường thẳng", mà biến động giá sẽ xảy ra trong suốt chặng đường.
Dù vậy, theo CoinTelegraph, người nắm giữ những đồng tiền số khác không phải Bitcoin sẽ trải qua một số đợt "rung lắc" lớn trước khi nghĩ đến kiếm lời. "Khi Bitcoin tăng mạnh, các tiền số khác chỉ tăng nhẹ. Nhưng khi Bitcoin giảm, hàng loạt tiền số lại lao dốc mạnh hơn", trang này bình luận.
Ý kiến ()