Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 20:38 (GMT +7)
Bỏ chấm điểm lớp một: tốt, nếu...
Chủ nhật, 08/09/2013 | 05:25:32 [GMT +7] A A
Trong vài, ba tháng trở lại đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ trương bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp một của Bộ GD&ĐT đã được nhiều người, từ các cán bộ quản lý, các chuyên gia trong ngành, đến các giáo viên tiểu học, các phụ huynh học sinh v.v. bàn thảo khá sôi nổi. Nhiều ý kiến tán đồng, cho rằng đây là một chủ trương tích cực nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, ít nhất là với bậc học Tiểu học hiện nay; nó giúp cho việc đánh giá học sinh thực chất hơn, giảm áp lực, tạo nền tảng tâm lý tốt cho học sinh khi các em bước vào lớp một. Mặt khác nó cũng sẽ góp phần giảm thiểu việc lạm dụng dạy thêm, học thêm cho các em trước khi đến trường… Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, phân vân, cho rằng nếu bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp một sẽ không kích thích các em nỗ lực phấn đấu trong học tập, các phụ huynh học sinh khó theo dõi, nắm bắt được quá trình học hành của con em mình một cách cụ thể, thường xuyên v.v.
Việc có nhiều ý kiến “thuận chiều” và “trái chiều” khi Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trường này xét cho cùng cũng không có gì ngạc nhiên. Đành rằng, việc không chấm điểm trong nhà trường ở bậc Tiểu học không phải là chuyện mới mẻ trên thế giới (ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến, người ta đã làm điều này từ lâu rồi); còn ở nước ta, đây vẫn là sự thay đổi “gây sốc”, bởi từ xưa đến nay chưa bao giờ làm như vậy! Thậm chí trong tâm lý nhiều người, những “hoa điểm mười” còn là cái gì đó rất quan trọng đối với các em, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các em “kính dâng cha mẹ” “kính dâng thầy cô” để bày tỏ tình cảm biết ơn công lao chăm sóc, dạy dỗ mình...
Nhưng nói gì thì nói, bắt đầu từ năm học mới này, ngành Giáo dục cũng đã bãi bỏ việc chấm điểm với học sinh lớp một. Và chắc chắn đây là một quyết định đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra áp dụng. Vậy nên, vấn đề là phải làm sao để chủ trương này phát huy tốt những mặt tích cực, tránh những mặt tiêu cực. Muốn vậy, cần có sự thống nhất, cả về nhận thức cũng như hành động, giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Về phía nhà trường, điều quan trọng là làm sao để không cần chấm điểm nhưng vẫn theo dõi, đánh giá được quá trình học tập, rèn luyện đạo đức của các em một cách sát, đúng, khách quan nhất. Điều đó đòi hỏi các giáo viên phải sâu sát học sinh, nắm bắt được những thay đổi về tâm lý các em; từ đó biết cách khuyến khích, khen ngợi, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày ở mỗi hoạt động của từng học sinh; giúp học sinh cảm thấy tự tin và hứng thú với học tập... Đây là công việc không dễ, nhất là trong điều kiện sĩ số các lớp một ở nhiều trường trong năm học này đang quá tải. Chính vì vậy lại càng đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm và phải có sự công tâm, khách quan. Còn về phía gia đình, cũng cần “thay đổi nhận thức”, bỏ thói quen coi điểm số là “cái đích”, mà phải tìm cách khơi dậy niềm vui đi học, kết bạn, niềm vui tự khám phá năng lực bản thân cho con trẻ...
Trẻ em lớp một mới bắt đầu bỡ ngỡ làm quen với thầy cô, bạn bè, với kỷ luật học đường v.v. Vậy nên bớt đi áp lực về thành tích điểm số cho các em là điều rất nên làm! Và chủ trương này của Bộ GD&ĐT cũng là nhằm mục đích ấy. Vậy nên, không chỉ nhà trường, gia đình mà cả xã hội hãy tạo sự đồng thuận để nó phát huy hiệu quả...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()