Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:54 (GMT +7)
Bỏ "lạm phát" giấy khen học sinh?
Thứ 2, 14/09/2020 | 14:55:14 [GMT +7] A A
Có lẽ, câu chuyện khen thưởng thành tích học tập của học sinh ở các trường học thời gian qua khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, trong khi đó rất nhiều bậc phụ huynh vừa mừng, vừa lo, bởi không biết thực chất chất lượng giáo dục ra sao khi mà đa phần học sinh đều được trao giấy khen vào dịp tổng kết năm học với đủ loại như hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, có thành tích vượt trội, tiến bộ vượt bậc về một môn học hoặc có năng lực, phẩm chất về lĩnh vực nào đó…
Thực tế thì chuyện một lớp có hầu hết học sinh được khen thưởng ở nhiều mặt dịp cuối năm là việc rất đỗi bình thường, nó vẫn diễn ra tại nhiều trường, lớp, địa phương trong cả nước. Thời gian qua, giấy khen không chỉ dừng lại ở việc khen thành tích học tập, mà nhiều loại giấy khen còn khiến phụ huynh phải bối rối…
Nhiều người cho rằng, trước kia, trong một lớp, số học sinh giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay việc tìm một học sinh trung bình còn khó hơn “tìm kim đáy bể”. Thực tế này đã làm cho nhiều bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn vì không biết thành tích học tập của con em mình có phản ánh đúng chất lượng học tập trên trường, trên lớp hay không, hay đó chỉ là “bệnh thành tích”.
Ảnh minh họa. |
Nhằm chấn chỉnh lại vấn đề khen thưởng học sinh, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân. Theo đó, trong dự thảo thông tư có 4 hình thức khen thưởng được đưa ra gồm: Tuyên dương trước lớp, tuyên dương trước toàn trường, tặng giấy khen và các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích, nguyên tắc khen thưởng học sinh.
Dự thảo thông tư quy định cụ thể về việc tặng giấy khen: Cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường sẽ xem xét tặng giấy khen cho học sinh đảm bảo một trong các điều kiện: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT). Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; học sinh có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.
Học sinh có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền.
Căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, hiệu trưởng quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với từng thành tích cụ thể đạt được của học sinh.
Như vậy, với dự thảo quy định mới, học sinh có học lực khá sẽ không được tặng giấy khen cuối năm, việc này nhằm mục đích giảm số lượng giấy khen, tránh tình trạng khen tràn lan như hiện nay.
Đặc biệt, dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng nêu rõ, học sinh, phụ huynh có quyền khiếu nại lên hiệu trưởng khi thấy không được khen thưởng thỏa đáng. Nếu nhà trường đã xem xét lại mà vẫn chưa thấy thỏa đáng, học sinh, phụ huynh có thể khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, mục đích của việc khen thưởng là hết sức tích cực, qua đó thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường tặng giấy khen tràn lan dẫn đến học sinh không có động lực, người được khen cũng cảm thấy không mấy được tôn vinh, trân trọng. Chính vì vậy, dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhận được nhiều sự quan tâm của các trường học, phụ huynh, học sinh cùng người dân trong cả nước. Và nếu dự thảo thông tư được thông qua, chắc chắn rằng đây là “kim chỉ nam” để xoá bỏ việc "phổ cập" tặng giấy khen cho học sinh, vốn diễn ra phổ biến trong thời gian qua.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()