Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:27 (GMT +7)
Bổ sung thang bảng lương, phụ cấp lương
Thứ 4, 06/03/2024 | 15:11:45 [GMT +7] A A
Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.
Nghị định số 21/2024 sửa đổi quy định về xác định quỹ tiền lương kế hoạch; thang, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động; sửa quy định về xếp lương đối với người quản lý, kiểm soát viên chuyên trách vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định mới này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016 và Nghị định số 52/2016.
Theo nghị định mới, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động.
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.
Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Tại tờ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 và 52/2016 về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện lương người lao động do doanh nghiệp quyết định, gắn với năng suất, hiệu quả kinh doanh. Lương người quản lý doanh nghiệp do Chính phủ quy định, căn cứ theo lương cơ bản, hệ số, hạng doanh nghiệp và kết quả kinh doanh và được áp dụng từ năm 2013.
Nếu đạt kế hoạch kinh doanh, lương lãnh đạo doanh nghiệp tối đa 72 triệu đồng/người/tháng; nếu kinh doanh vượt kế hoạch, lương tối đa được 86,4 triệu đồng/tháng.
Thực tế trên dẫn tới sự chia cắt và mất cân đối trong hệ thống thang, bảng lương của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thiệt thòi so với người lao động. Lương của người lao động tăng hàng năm theo sự phát triển của doanh nghiệp, còn lương lãnh đạo không đổi suốt thời gian qua, nên có trường hợp lương của người quản lý cấp cao thấp hơn lương của trưởng/phó phòng trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, lương người quản lý doanh nghiệp tính theo lợi nhuận nhưng không phải lúc nào lợi nhuận năm sau cũng cao hơn năm trước, nên dù doanh nghiệp có lãi nhưng mức thấp hơn năm trước sẽ không được tăng lương (chỉ hưởng lương cơ bản).
Như vậy, với Nghị định 21 vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp được trao quyền tự chủ hơn trong việc xây dựng thang bảng lương chi trả cho người lao động và lãnh đạo.
Bổ sung quy định quỹ tiền lương kế hoạch
Ngoài những thay đổi trên, Nghị định 21 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xác định quỹ tiền lương kế hoạch. Cụ thể:
Khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, công ty loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề.
Nhà nước điều chỉnh giá, hạn mức sản xuất, kinh doanh, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hoặc giảm vốn nhà nước yêu cầu công ty di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh cơ chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận của công ty.
Tiếp nhận, mua, bán, khoanh, giãn và xử lý nợ, tài sản, mua, bán sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()