Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:09 (GMT +7)
Bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Thứ 7, 30/12/2023 | 09:26:17 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Bùi Thị Thu Hà, tổ đại biểu TP Cẩm Phả chất vấn: Những năm qua, công tác bố trí, sắp xếp, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng triển khai đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra; nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác tuyển giáo viên do thiếu nguồn tuyển, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 như giáo viên Tiếng Anh, Tin học...đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thực trạng và giải pháp của ngành để bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh thời gian tới?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Thực trạng giáo viên toàn ngành
Năm học 2023-2024, nhu cầu biên chế cần sử dụng đối với ngành giáo dục cần 21.290 người (CBQL:1.565; Giáo viên:17.693; Nhân viên:2.032). Tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương là 19.378 người, số người làm việc hiện có mặt là 18.711 người.
So sánh với quy mô số lớp và định mức biên chế, năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục thiếu 2.579 người làm việc, trong đó thiếu 1.737 giáo viên.
Việc thiếu giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra ở hầu hết các địa phương với các nguyên nhân chính : Biên chế được giao cho các địa phương thấp hơn nhiều so với định mức; Trong những năm gần đây, quy mô số lớp, học sinh tăng nhanh ở các địa bàn thị xã, thành phố với trên 12.000 học sinh tương ứng trên 300 lớp; Chương trình giáo dục phổ thông mới điều chỉnh một số môn học và có sự tăng, giảm số tiết/tuần; Số lượng sinh viên ra trường không đáp ứng so với số lượng giáo viên nghỉ hưu, thôi việc; Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông phải từ trình độ Đại học trở lên theo Luật Giáo dục 2019 nên các giáo viên nghỉ hưu, giáo viên tốt nghiệp cao đẳng mới ra trường không đủ điều kiện để thỉnh giảng hoặc hợp đồng giảng dạy.
Từ những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành và UBND các địa phương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, chỉ đạo các cơ sở giáo dục giải pháp khắc phục, cụ thể:
1. Bố trí sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên hiện có
Trong thời gian chưa kịp thời hợp đồng, tuyển dụng bổ sung số lượng giáo viên thiếu hụt, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các địa phương đã chủ động sắp xếp, bố trí hợp lý, cử giáo viên dạy liên trường ở cùng địa bàn, cùng cấp học; phân công trên 150 lượt giáo viên cấp THCS hỗ trợ giảng dạy ở các bộ môn Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ cho khối Tiểu học; Bố trí giáo viên dôi dư kiêm nhiệm các hoạt động hướng nghiệp - trải nghiệm và giáo dục địa phương đảm bảo hợp lý trong bố trí ngày giờ lao động, phù hợp chương trình Giáo dục phổ thông mới.
2. Triển khai xây dựng Đề án tự chủ để bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc, thực hiện hiệu quả tinh giản số người làm việc hưởng lương từ ngân sách
Đến thời điểm hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo và 06 địa phương đã xây dựng đề án tự chủ và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, bổ sung biên chế trong toàn ngành là 1.939 người (chỉ tiêu hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp).
Số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp nói trên đã giảm áp lực về thiếu hụt biên chế cho các cơ sở giáo dục. Các đơn vị triển khai đề án tự chủ đã đủ điều kiện để hợp đồng, tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu còn thiếu.
3. Tuyển dụng, hợp đồng giáo viên
Thực hiện Nghị định 111/2022/NĐ-CP, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các địa phương đã thực hiện hợp đồng gần 500 giáo viên để bổ sung cho các vị trí còn thiếu đối với các đơn vị thực hiện Đề án tự chủ. Số lượng hợp đồng nói trên đã tháo gỡ một phần tình trạng thiếu giáo viên ở các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã đề xuất Sở Nội vụ tham mưu giao bổ sung chỉ tiêu hợp đồng lao động đối với giáo viên tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Nhóm 4 (đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên). Khi được Hội đồng nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu, các đơn vị nhóm 4 sẽ thực hiện ký kết hợp đồng giáo viên theo quy định.
Việc tuyển dụng viên chức đang được các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng để bổ sung cho nguồn nhân lực thiếu (Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả,Vân Đồn...). Dự kiến trong đầu năm 2024, các địa phương còn lại trong toàn tỉnh sẽ triển khai đồng loạt tuyển dụng viên chức sau khi hoàn thành xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Chỉ đạo, triển khai bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên các môn học mới
Để bổ sung, chuẩn hóa trình độ đối với giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, từ cuối năm 2022 đến nay, 10/13 huyện, thị xã, thành phố đã cử 1.203 giáo viên Tiểu học, giáo viên THCS bồi dưỡng các môn học mới (218 giáo viên Tin học và Công nghệ; 412 giáo viên Lịch sử - Địa lý và 573 giáo viên môn Khoa học tự nhiên). Các địa phương chưa có điều kiện cử giáo viên đi bồi dưỡng các môn tích hợp sẽ triển khai giảng dạy theo hướng linh hoạt về thời gian, thời điểm, bố trí phân công giảng dạy các môn tích hợp bằng các đơn môn theo phù hợp với sắp xếp thời khóa biểu.
Đến thời điểm hiện tại, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên đã tháo gỡ cơ bản tình trạng khó khăn về đội ngũ trong các cơ sở giáo dục. Việc bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ chuyên môn giáo viên đã triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, việc thiếu giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ riêng tại tỉnh Quảng Ninh mà phổ biến trong phạm vi toàn quốc do nguồn sinh viên sư phạm ra trường không đủ so với nhu cầu còn thiếu. Trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng kịp thời giáo viên Tin học, Tiếng Anh cho các cơ sở giáo dục còn thiếu trong kỳ tuyển dụng viên chức năm 2023-2024. Các môn học khác còn thiếu sẽ hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng nếu còn chỉ tiêu biên chế.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Về tự chủ, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp: Lựa chọn các cơ sở giáo dục ở vùng đô thị lớn, địa bàn có điều kiện KT-XH để nâng tỉ lệ tự chủ đảm bảo kinh phí hoạt động từ 50-100% theo mức thu học phí (giá dịch vụ) trên cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, từ đó giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhưng vẫn đảm bảo biên chế để đủ số người làm việc, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tăng mức độ tự chủ về tổ chức hoạt động, nhân sự, tài chính, chủ động trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao năng lực giáo viên các môn học mới; thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo quy định của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh.
Tham mưu cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên về công tác tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh giỏi tham gia học ngành sư phạm gắn theo hướng giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên, đảm bảo lộ trình bổ sung đủ nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao cho ngành giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()