Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 16:56 (GMT +7)
Bố trí việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trong 3 phiên của Kỳ họp thứ 6
Thứ 2, 18/09/2023 | 21:56:12 [GMT +7] A A
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại 3 phiên của Kỳ họp thứ 6 theo đề xuất của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chiều 18/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Báo cáo một số vấn đề về kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 25 ngày; khai mạc vào ngày 23/10 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 3 ngày thứ Bảy.
“Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: đợt 1 là 20,5 ngày (từ 23/10 đến sáng 16/11) và đợt 2 là 4,5 ngày (từ 24 đến 29/11)”, ông Bùi Văn Cường thông tin.
Liên quan đến dự kiến chương trình chi tiết, có ý kiến đề nghị bố trí 0,5 ngày thảo luận ở hội trường Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư năm 2023 và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, đây là kỳ họp cuối năm, khối lượng công việc rất lớn, phải xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng để đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp thiết đặt ra. Trong khi tổng thời gian kỳ họp không thể kéo dài nên đề nghị không bố trí thảo luận riêng nội dung nêu trên mà chỉ gửi các vị đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, kết hợp với thảo luận các nội dung liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri...
Đáng chú ý, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại 3 phiên họp theo đề nghị của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của Chính phủ và một số cơ quan để bổ sung các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Công tác quản lý cán bộ, công chức; Đánh giá việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, chính quyền đô thị...
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, cụ thể là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cùng với đó là một số dự án luật cho ý kiến lần đầu và nội dung được nhân dân quan tâm như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các đài truyền hình, truyền thanh quốc gia nội dung Quốc hội thảo luận các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Về chuẩn bị nội dung cho kỳ họp, ông Bùi Văn Cường cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự tích cực, chủ động của Chính phủ, hiện nay hồ sơ 2 dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được hoàn thiện và gửi các các vị đại biểu Quốc hội.
Do khối lượng nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp 6 rất lớn với nhiều nội dung khó, phức tạp, để bảo đảm thời gian cho các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung để gửi các vị đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định. Đồng thời, tiếp tục công khai danh sách các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu kỳ họp.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 12 nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung, có 4 nội dung đã có hồ sơ, trong đó có 3 nội dung đã được đưa vào chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp có trọng tâm về công tác xây dựng pháp luật với việc xem xét, cho ý kiến đối với 17 dự án luật; trong đó xem xét thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác; bên cạnh việc xem xét rất nhiều nghị quyết khác.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()