Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:01 (GMT +7)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0,46%
Thứ 3, 18/11/2014 | 17:01:55 [GMT +7] A A
Số liệu này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra tại phiên trả lời chất vấn tại Hội trường sáng 18/11.
Rà soát đánh giá công chức
Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Nghị quyết 69 năm 2013 của Quốc hội giao đến hết 2014 hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, công việc trên đến nay vẫn chưa được hoàn thành, và nếu không rà soát, đánh giá một cách toàn diện thì các giải pháp được đề ra trong Báo cáo số 4884 của Bộ Nội vụ là rất khó khả thi.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn sáng 18/11 (Ảnh: Quang Trung) |
“Nguyên nhân nào dẫn đến sự chậm trễ và liệu hết năm 2014 có hoàn thành việc rà soát hay không?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Nhấn mạnh trách nhiệm rà soát, đánh giá thuộc các bộ ngành, địa phương, còn Bộ Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, các quy định của Đảng, pháp luật về đánh giá xếp loại rất cụ thể, đầy đủ, trong đó có trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu.
“Nhưng qua bức xúc của dư luận xã hội, Bộ Nội vụ đã có hai công văn gửi các bộ ngành, địa phương, nói rõ dư luận không đồng tình về mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong thực thi công vụ của một bộ phận đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nêu công khai số liệu tổng hợp toàn diện năm 2013, trong đó phân loại cán bộ công chức: Hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ chiếm 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 58,08%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 4,94% và không hoàn thành nhiệm vụ 0,46%.
Với viên chức, tỉ lệ xuất sắc đạt 34,49%, 50,14% loại tốt, 8,06% hoàn thành nhiệm vụ và 0,24% không hoàn thành nhiệm vụ. Có 23 Bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Có 7 bộ ngành địa phương không có viên chức nào không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với khối bộ ngành Trung ương, có 2 đơn vị có số công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao. Con số này đối với địa phương là 4 đơn vị.
Người đứng đầu còn nể nang, ngại đụng chạm
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong từng cơ quan đơn vị chưa đồng đều; việc bố trí phân công công tác đối với từng cán bộ chưa cụ thể, chưa rõ ràng.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, có cơ sở đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ.
Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức viên chức chưa cao, vẫn còn tồn tại tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, nể nang trong công tác đánh giá, sợ đụng chạm.
Người tự đánh giá không trung thực, thiếu nghiêm túc trong tự nhận xét đánh giá, thường xuyên có tâm lý không thừa nhận bản thân yếu kém, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan chưa thực hiện đầy đủ thầm quyền, trách nhiệm trong công tác đánh giá hàng năm.
“Có những đơn vị làm lại tới 5 lần mới chỉ ra được một số không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Bình cho biết.
Một số nhóm giải pháp cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu cụ thể, như tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức; chú trọng giải pháp làm gương của người đứng đầu, nêu gương người tốt việc tốt để mọi người noi theo.
Việc đánh giá phải đặt dưới sự trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền thì mới có chuyển biến, vì lâu này thường khoán trắng cho cơ quan tổ chức nên khi đánh giá không chỉ ra được số cán bộ yếu kém. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế quản lý hệ thống công chức, viên chức; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.
“Đặc biệt các bộ ngành phải khẩn trương xác định vị trí việc làm để làm cơ sở xây dựng cơ cấu công chức viên chức hợp lý, định biên chế phù hợp. Các cơ quan phải phân công cụ thể rõ ràng, lượng hóa công việc càng rõ, càng kỹ thì càng dễ đánh giá, phân loại. Xây dựng quy chế, tổ chức theo dõi kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ của từng công chức, viên chức. Tiêu chí đánh giá quy định chung nhưng từng loại hình tổ chức các đồng chí lãnh đạo phải cụ thể hóa thì mới dễ đánh giá. Nêu cao trách nhiệm của người tự đánh giá, tập thể cán bộ và người đứng đầu, người đứng đầu sợ đụng chạm thì rất khó đánh giá cán bộ. Tăng cường thanh tra kiểm tra, khen thưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, việc công bố bộ chỉ số cải cách hành chính hàng năm có tác động thúc đẩy rất tốt, do đó Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để song song công bố chỉ số cải cách thủ tục hành chính hàng năm sẽ công bố tỉ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ kèm theo để dư luận theo dõi đánh giá.
“Cứ im bên trong mà không công bố thì cuối cùng “quýt làm cam chịu”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu quan điểm.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()