Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:17 (GMT +7)
Những "cái nhất" ở cơ sở
Thứ 6, 28/11/2014 | 08:17:45 [GMT +7] A A
69 năm qua, 6 “cái nhất” ở cấp cơ sở (tức là xã, phường, thị trấn) vẫn đang đặt trên vai bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ nơi đây…
Trong hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền cấp cơ sở (tức là xã, phường, thị trấn) nổi lên một số điểm đáng chú ý, tạm nêu 6 “cái nhất” ở cấp cơ sở như sau:
Thứ nhất, cơ sở là nơi có nhiều loại công việc nhất. Từ việc triển khai các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật, thông tư, chỉ thị của các cấp đến các công việc về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn, đến các công việc tiếp dân, giải quyết hàng ngày những công việc của dân như tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, việc hiếu, việc hỷ, rồi đến các công việc an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giải quyết các tệ nạn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Đăng Tiến-Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại Hội trường kỳ họp Quốc hội. |
Những loại công việc này diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trực tiếp với dân và chỉ ở cấp cơ sở mới trực tiếp với dân nhiều nhất, các cấp khác có tiếp dân nhưng không thể nhiều so với cơ sở. Do đó sự ổn định của dân chính là ở cơ sở, những bức xúc của dân cũng chính là ở cơ sở, có thể nói là “thượng vàng hạ cám”, cơ sở là nơi có nhiều loại công việc nhất.
Thứ hai, cán bộ cấp cơ sở được hưởng chế độ lương và phụ cấp thấp nhất. Tuy chúng ta đã có nhiều chính sách như tăng cường số lượng cán bộ, cũng như có chế độ, chính sách về lương, phụ cấp cho cán bộ cấp cơ sở, nhưng thực tế hiện nay vẫn rất bất cập.
Theo Nghị định 92 năm 2009 của Chính phủ thì cán bộ, công chức cấp xã nhìn chung được hưởng chế độ lương và phụ cấp là: Bí thư đảng ủy bậc lương từ 2,35 - 2,85, phụ cấp 0,3; Khối Ủy ban bậc lương từ 2,15 - 2,65, phụ cấp 0,2; Khối đoàn thể bậc lương từ 1,75 - 2,25, phụ cấp 0,15. Đối với cán bộ có trình độ Đại học, Cao đẳng ... thì được hưởng chế độ lương như quy định của Nhà nước. Về số lượng cán bộ quy định ở xã loại 1 không quá 22 công chức, xã loại 2 không quá 20 công chức và xã loại 3 không quá 19 cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế nhiều xã có số cán bộ tới vài trăm người, song chế độ phụ cấp cũng rất thấp.
Thứ ba, cơ sở là nơi có cơ sở vật chất và điều kiện làm việc khó khăn nhất. Ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất và điều kiện làm việc rất thiếu thốn, các trạm xá xã, trường học, khu hoạt động văn hóa, hệ thống điện, nước, giao thông nông thôn còn rất khiêm tốn, các trang bị như điện thoại, máy tính, mạng internet và trụ sở làm việc còn rất sơ sài, thiếu thốn.
Thứ tư, cơ sở là nơi cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều nhất. Ở vùng nông thôn, cơ sở phải trực tiếp quản lý hành chính hàng trăm hộ gia đình, hàng ngàn hecta cây trồng, hàng vạn gia súc, gia cầm... nhưng cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng không nhiều, nhiều nơi không có. Trình độ chuyên môn của các lĩnh vực rất không đồng đều, trong khi hàng ngày phải tiếp cận với rất nhiều loại công việc đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao như pháp luật, địa chính, tài nguyên, thuế, môi trường…
Ở địa bàn đô thị, ngoài quản lý hành chính hàng trăm hộ gia đình thì nhiều phường có rất nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đóng trên địa bàn, thực trạng đó dẫn đến tình trạng ở phường thì khối lượng công việc quá tải, ở xã thì quá sức.
Thứ năm, cơ sở là nơi có đời sống văn hóa xã hội đa dạng nhất. Dường như các lễ hội văn hóa, thuần phong, mỹ tục đều bắt nguồn và diễn ra ở cơ sở, hay có, dở có. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của dân tộc, của xã hội. Văn hóa đã và đang hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời nhất, sâu sắc nhất ở cơ sở, do đó văn hóa cần phải được quan tâm, đầu tư ngay từ trong mỗi gia đình, thôn, xóm, bản, buôn, tức là ở cơ sở.
Thứ sáu, cơ sở là nơi có nhiều tầng lớp dân cư sinh sống nhất. Hầu hết trên 90 triệu dân cả nước, từ cán bộ lãnh đạo cao cấp đến người dân bình thường đều sống và sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở. Cả nước ta có hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có trên 9.000 xã, trên 1.100 phường và gần 600 thị trấn). Số lượng và chất lượng dân cư phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa giới và điều kiện tự nhiên cũng rất khác nhau.
Có lẽ, chưa thể kể hết những đặc điểm nổi trội hay những điểm nhất khác của cơ sở. Chúng ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội, mà gia đình đều ở cơ sở, tế bào cơ sở có khỏe thì cơ thể chúng ta mới khỏe được. Vậy mà 6 điểm nhất trên đang đặt trên vai bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ cơ sở. Hệ thống đó được vận hành 69 năm; trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm 30 năm; thời kỳ kế hoạch hóa bao cấp hơn 10 năm và thực hiện công cuộc đổi mới gần 30 năm. Các cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực trước đây chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Ngày nay các cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực vận hành để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, cách đây 69 năm khi đó dân số nước ta mới chỉ có trên 20 triệu dân, nay đã trên 90 triệu gấp hơn 4 lần, chất lượng dân số, nguồn lực hay nói cách khác là lực lượng sản xuất của nước ta đã phát triển ở một trình độ cao hơn rất nhiều, đòi hỏi phải có bộ máy, cơ chế, chế độ, chính sách và đội ngũ cán bộ phù hợp. Chúng ta cần có nghiên cứu để sắp xếp, cấu trúc lại hệ thống bộ máy nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương trong đó chú trọng ở cấp cơ sở thì mới có thể đáp ứng được với tình hình thực tiễn đổi mới của đất nước ta hiện nay.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()