Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:32 (GMT +7)
Bộ trưởng Công Thương: Ưu tiên tối đa cấp ôxy cho các cơ sở y tế
Thứ 6, 07/01/2022 | 22:20:43 [GMT +7] A A
Bộ Công Thương sẽ đánh giá, huy động năng lực sản xuất tối đa trong những tình huống khẩn cấp, điều tiết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác để ưu tiên tối đa cấp ôxy cho y tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, việc cung ứng ôxy ở nhiều nơi, nhiều lúc thiếu hụt.
Do đó, chiều 7/1 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa liên ngành Công Thương-Y tế với các doanh nghiệp và địa phương về tình hình “cung ứng ôxy cho bệnh nhân COVID-19 và các giải pháp đảm bảo nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán.”
Khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất ôxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày. Trong đó, miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày.
Theo ông, trong điều kiện không bùng phát dịch bệnh thì lượng oxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành (ôxy chủ yếu cho công nghiệp, công nghiệp vừa phục hồi, điều kiện cung ứng vận chuyển…) nên tại một số thời điểm dịch bùng phát đã xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đặc biệt đối với thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thời gian qua.
Lãnh đạo Cục Hóa chất cho hay với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, từ nửa cuối tháng 12/2021 cho tới nay, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động điều hành vĩ mô đối với các hoạt động sản xuất, điều phối, cung ứng ôxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có việc thành lập và tổ chức các hoạt động của Tổ công tác điều phối ôxy phục vụ điều trị COVID-19.
Cùng đó, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt tình hình để can thiệp, hỗ trợ việc cung ứng ôxy từ các cơ sở sản xuất cho các cơ sở y tế…
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Thanh thông tin với bệnh nhân COVID-19 nặng, nhu cầu cần tới 100kg ôxy lỏng mỗi ngày, nên nguy cơ thiếu hụt ôxy y tế vẫn luôn tiềm ẩn nếu không có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch để sản xuất gắn với điều phối, vận chuyển, cung ứng giữa các vùng, miền.
“Tạm thời vấn đề này đã bớt nóng hơn, nhưng đâu đó còn thiếu cục bộ và theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Hóa chất phải xem xét lại những kế hoạch sắp tới để chuẩn bị Tết Nguyên đán, dự phòng trường hợp dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp,” ông Thanh nói.
Từ thực tế chuyển từ sản xuất ôxy phục vụ sản xuất công nghiệp sang tăng cường sản xuất ôxy y tế và vận chuyển, cung ứng cho Miền Nam đợt cao điểm dịch COVID-19 thời gian qua, ông Mai Đình Hợp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khí Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc bảo quản, lưu trữ ôxy ở nhiệt độ âm (- 186 độ) nên việc tăng cường các thiết bị vận tải là rất khó, vì vậy phải có phương án cụ thể cho việc luân chuyển ôxy giữa các vùng-miền khi cần thiết bởi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Ông đề xuất liên ngành thống nhất để đảm bảo cho giao thông thuận lợi khi vận chuyển giữa các địa phương, đồng thời phải có những đơn vị đảm nhận từ giao hàng đến kho dự trữ.
Chủ động trong mọi tình huống
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trấn Văn Thuấn cho rằng việc để xảy ra thiếu ôxy y tế ở một vài địa phương, trong nhiều thời điểm là do chính quyền địa phương đó vẫn có sự lơ là, đặc biệt một số tỉnh thành, mặc dù đã được ngành y tế cảnh báo.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương cần nâng cao vai trò của Tổ điều phối ôxy y tế để chủ động, có kế hoạch dự phòng sớm nhằm đảm bảo ôxy y tế phục vụ công tác điều trị.
Cùng với đó, ưu tiên kinh phí, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện các phương án đảm bảo ôxy y tế tại địa phương, nắm bắt các chỉ đạo của Bộ Y tế và chủ động làm việc với các nhà cung ứng ôxy trên địa bàn để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt ghi nhận có doanh nghiệp đã dành 100% sản lượng để cung ứng cho y tế, hay chủ động vận chuyển từ ngoài Bắc vào cung ứng tại các tỉnh phía Nam. Riêng dịp nghỉ Tết dương lịch 1/1/2022 một số Công ty sản xuất và phân phối đã vận chuyển vào khu vực phía Nam khoảng 360 tấn ôxy lỏng.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, ông đề nghị các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và phân phối khí có thể lưu thông thuận lợi, đặc biệt là trong những ngày Tết.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khí-sản xuất ôxy quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, Bộ Y tế, tập trung sản xuất, phân phối, đáp ứng tối đa nhu cầu ôxy trong điều trị bệnh, nhất là trong dịp Tết cũng như khi dịch bùng phát và lây lan mạnh, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát đánh giá năng lực sản xuất, huy động năng lực sản xuất tối đa trong những tình huống khẩn cấp, điều tiết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác để ưu tiên tối đa cấp ôxy cho các cơ sở y tế…
“Về lâu dài, cũng cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, cơ chế giá bán, vận chuyển ôxy, cơ chế đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở tồn trữ ôxy phục vụ cho y tế trong những tình huống khẩn cấp,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()