Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:41 (GMT +7)
Bộ trưởng GTVT chỉ rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm kéo giảm TNGT
Thứ 5, 09/02/2023 | 14:29:13 [GMT +7] A A
Năm 2022, vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thí điểm mô hình trạm cấp cứu y tế gắn với trạm dừng nghỉ
Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 9/2, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Chưa có cơ chế hữu hiệu để nhanh chóng xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT phát sinh mới.
Chưa có cơ chế và biện pháp để nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải phục vụ công tác quản lý nhà nước về TTATGT
Đáng chú ý, tình trạng thiếu niên, học sinh điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe diễn biến rất phức tạp, là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại một số địa phương;…
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, trọng tâm là xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm phương tiện, thiết bị nói chung, nhất là phương tiện cơ giới đường bộ;
Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải..
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án công trình giao thông cần chủ động thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới phục vụ thi công tại dự án, không để tình trạng làm mới tuyến đường này lại gây hư hỏng và mất ATGT cho các tuyến đường khác; khẩn trương đầu tư và kịp thời đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ dọc theo các tuyến đường bộ cao tốc.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT, Bộ trưởng đề nghị Cục Đăng kiểm VN chủ động có phương án về tổ chức, nhân sự; Làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để sớm phục hồi hoạt động cho các Trạm Đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, đáp ứng nhu cầu kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện của nhân dân.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm khác, trong đó có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT; Khẩn trương nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, chia sẻ giữa Cục Đường bộ VN, Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố cũng như với lực lượng CSGT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT đối với kinh doanh vận tải.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với ngành GTVT thí điểm mô hình trạm cấp cứu y tế gắn với trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc và các tuyến quốc lộ trọng điểm, làm cơ sở để mở rộng trên toàn mạng lưới.
Có sự buông lỏng công tác đào tạo, sát hạch lái xe
Đối với các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN sắp tới phải triển khai quyết liệt, việc sớm hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ngoài ra, tập trung thực hiện công tác chấn chỉnh, đào tạo sát hạch lái xe, đề nghị Cục Đường bộ VN phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với công tác đào tạo sát hạch lái xe của các trường GTVT, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc, trên cơ sở kết luận thanh tra sẽ có quyết định mở rộng phạm vi thanh tra hay không.
Bộ trưởng cho biết, qua công tác tiếp nhận thông tin cho thấy một số cơ sở ở khu vực miền núi phía Bắc có sự buông lỏng trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị bổ sung chương trình đào tạo kỹ năng lái xe trên đường cao tốc vào hạng mục thực hành trên cabin.
Đối với kiến nghị tăng cường đầu tư nâng cấp một số tuyến quốc lộ, xử lý điểm đen giao thông, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, do ngân sách còn hạn chế, nhu cầu đầu tư, nâng cấp, sửa chưa các tuyến quốc lộ (QL) trên địa bàn toàn quốc mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của các địa phương.
Bộ GTVT vừa qua đã cân đối, tiết kiệm, tăng nguồn vốn cho các địa phương thực hiện công tác này. Sắp tới, sẽ báo cáo Quốc hội dành nguồn lực lớn hơn cho công tác bảo trì, nâng cấp các tuyến QL, đáp ứng nhu cầu của người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến QL.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên nâng cấp, sửa chữa các đoạn của tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh, tiếp tục dành ưu tiên, kinh phí tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến QL hư hỏng mà người dân đang bức xúc, tập trung xử lý điểm đen TNGT bao gồm cả những điểm là nguy cơ xảy ra TNGT.
Về việc nâng quy mô, tầm vóc của Giải Báo chí về ATGT, Bộ trưởng nhận thấy đây là vấn đề thiết thực góp phần quan trọng trong công tác tăng cường tuyên truyền ATGT.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()