Tại Hội thảo về quảng cáo trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức chiều 30/11 ở Hà Nội, đại diện Bộ cho biết vẫn còn tình trạng quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện trên các trang vi phạm pháp luật. Quảng cáo trở thành nguồn tài trợ cho những trang này, gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng, không công bằng với các trang làm nội dung "sạch", đồng thời có thể ảnh hưởng đến an toàn của thương hiệu.
Để ngăn tình trạng trên, một trong các giải pháp được đưa ra là xây dựng "blacklist" trong lĩnh vực quảng cáo. Danh sách đen này sẽ bao gồm các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm luật An ninh mạng, luật Sở hữu trí tuệ, nội dung nhảm, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, để nhãn hàng tránh đặt quảng cáo.
"Điểm mới là danh sách này sẽ công bố các trang cá nhân vi phạm, ví dụ kênh Nờ Ô Nô. Đơn vị nào còn quảng cáo trên đó là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt theo quy định", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, nói.
Nờ Ô Nô, kênh TikTok có hơn 600 nghìn lượt theo dõi, đã vấp phải làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng khi đăng các video sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị, chê bai người nghèo. Ngày 29/11, chủ kênh Phạm Đức Tuấn đã bị phạt 7,5 triệu đồng và bị TikTok khóa tài khoản vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng xây dựng "whitelist", gồm báo, tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động; các website, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng có đăng ký thông tin với Bộ và được xác nhận.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo danh sách này đủ bao phủ toàn thị trường, để nhãn hàng, đại lý ưu tiên quảng cáo trên những trang này", ông Do nói.
Tại hội thảo, một số đại lý quảng cáo đánh giá việc tạo blacklist và whitelist là cần thiết. Thực tế các đại lý cũng có những danh sách của riêng mình. Tuy nhiên, với nội dung mạng xã hội được đăng tải liên tục, một tài khoản có thể từ whitelist sang blacklist chỉ sau vài giờ, nên cần quy định rõ ràng và có thời gian để các bên chuẩn bị.
Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết việc này sẽ được thực hiện từ đầu năm 2023.
Việc cấm quảng cáo trên các trang có nội dung xấu độc đã được quy định tại nghị định 70 ban hành tháng 7/2021, bổ sung một số điều chỉnh của nghị định 181 về việc thi hành Luật Quảng cáo. "Các nền tảng như Facebook, Google đang hiển thị quảng cáo trên nhiều nội dung vi phạm mà không có biện pháp quản lý. TikTok, YouTube dễ dãi cho người làm nội dung kiếm tiền, không quan tâm nội dung có phù hợp hay phản cảm không. Các nhãn hàng, đại lý vì mục tiêu doanh số mà quảng cáo tràn lan trên tất cả các kênh", ông Do cho biết.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, đánh giá quảng cáo trên môi trường mạng đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn. Tuy nhiên, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các doanh nghiệp và nhãn hàng chưa thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo.
"Trước đây chúng ta dừng lại ở kêu gọi, cảnh báo. Những thay đổi sắp tới sẽ là bước chuyển quan trọng để chấm dứt đưa quảng cáo lên các trang vi phạm pháp luật", ông Lâm nói.
Ý kiến ()