Trả lời VnExpress ngày 30/6, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho hay thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TP HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương, như giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung.
Đối với F1 có nhà đáp ứng điều kiện đã đề ra, việc cách ly tại nhà giúp họ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các cơ sở bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng nhà vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho F1.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu lên một số khó khăn. Biến chủng virus mới khả năng lây lan nhanh, nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, sẽ lây nhiễm cho người ở cùng và lan ra cộng đồng.
Mặt khác, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp là F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác trên địa bàn, sẽ cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi. "Đặc biệt là khâu giám sát, nếu không đủ người và không làm chặt chẽ thì khi F1 không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly, nguy cơ lây nhiễm rất cao", bà Hương phân tích.
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu điều kiện để F1 được cách ly tại nhà là có nhà ở riêng biệt (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập); có phòng riêng khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt gia đình. Trả lời câu hỏi những điều kiện này có "khắt khe" quá so với điều kiện của đại bộ phận người dân hay không, bà Hương lý giải điều kiện để F1 được cách ly tại nhà tương tự điều kiện cách ly đối với trẻ em đã được triển khai từ tháng 2/2021.
Qua hơn 4 tháng thực hiện quy định cách ly đối với trẻ em, cho thấy các điều kiện này khả thi, không xảy ra lây nhiễm và hiện cũng chưa địa phương nào phản ánh về khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, với biến chủng virus mới, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình là rất lớn. "Vì vậy, nhà cách ly phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong quá trình cách ly", Cục trưởng Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh.
Theo bà, sau khi thí điểm, Bộ Y tế và UBND TP HCM sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn và áp dụng chính thức.
Đồng tình quan điểm sớm nhân rộng cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, băn khoăn quy định bắt buộc người dân phải có nhà riêng độc lập, "vì ít người đáp ứng được, nhất là ở các thành phố lớn như TP HCM".
Ông Nhung cho rằng mục đích quan trọng nhất của cách ly F1, dù tập trung hay tại nhà, đều nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh sang người khác. Vì vậy, ông đề xuất nới lỏng quy định, chỉ cần F1 có phòng riêng khép kín, cam kết không vi phạm, lắp camera giám sát... thì được ở nhà.
Đồng thời, ngành y tế cần mở rộng cho phép cách ly F1 tại nhà với các khu chung cư. Rủi ro lớn nhất ở chung cư là dễ lây nhiễm qua thang máy, điều hòa trung tâm. Vì vậy, với các chung cư có điều hòa trung tâm, sẽ không áp dụng biện pháp này. Còn lại, các hộ gia đình ở chung cư, có phòng riêng biệt, khép kín đều nên được cách ly tại nhà.
Trước khi thí điểm tại TP HCM, Bộ Y tế từng hướng dẫn một số trường hợp được cách ly tại nhà, như: F2được cách ly tại nhà, nơi lưu trú, từ tháng 3/2020.
Từ đầu năm 2021, Bộ cho phép trẻ dưới 5 tuổi cách ly tại nhà riêng; trẻ dưới 15 tuổi cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 3 lần âm tính thì được về nhà.
Cuối tháng 5/2021, Bộ đồng ý cho hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, áp dụng thiết chế cách ly tập trung F1 ngay tại nhà trọ (ký túc xá, nhà trọ công nhân). Các khu vực này được xem như vùng phong tỏa, tất cả mọi người được yêu cầu ở nhà.
Một tuần sau, đầu tháng 6, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể hơn, trong tình huống công nhân diện F1 ở khu nhà trọ quá đông thì đưa một nửa đến nơi cách ly tập trung. Sau đó, trong khu phong tỏa sẽ cách ly F1 tại nhà 28 ngày; thường xuyên xét nghiệm.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 4, Bắc Giang đã áp dụng mô hình này tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên), là nơi tập trung gần 10.000 công nhân với mật độ dày đặc. Núi Hiểu khi đó là tâm dịch của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, mô hình cách ly công nhân ngay tại nhà trọ không đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân, dù đã lập vùng phong tỏa, công nhân không thể ra ngoài địa bàn được, nhưng nhiều người ý thức kém, vẫn giao lưu với mọi người trong thôn. Vì mật độ người quá đông, nên nhà chức trách địa phương không thể giám sát được hết. "Một khu nhà trọ thường có mấy trăm công nhân, nên ban đêm, họ trốn cơ quan chức năng, đến nhà này, nhà khác, khiến chúng tôi rất vất vả. Tình trạng này gây ra lây nhiễm chéo ngay tại khu nhà trọ công nhân đã được phong tỏa", ông Dương phân tích.
Giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận hàng trăm ca nhiễm. Tình hình chỉ được cải thiện khi địa phương xét nghiệm nhiều lần, chuyển từng đợt công nhân từ thôn Núi Hiểu đến các khu cách ly tập trung khác để giảm mật độ.
Vì vậy, ông Lê Ánh Dương cho rằng để cách ly F1 tại nhà có hiệu quả, cần áp dụng công nghệ, như vòng đeo tay có định vị để giám sát. Hiện tỉnh đang thí điểm cách ly 8 F1 tại nhà ở huyện Lục Ngạn. Đây đều là các nhà dân ở huyện miền núi, cách xa nhau, có nhà rộng, phòng riêng cho người cách ly. Địa phương huy động tổ Covid-19 cộng đồng và người dân địa phương để giám sát.
Tuy nhiên, ông Dương còn băn khoăn, nếu F1 cách ly tại nhà ít, thì địa phương mới đủ lực lượng giám sát; khi số lượng quá nhiều, rất khó đủ người đáp ứng công việc này.
Đề xuất cách ly F1 tại nhà được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM ngày 25/6. Số lượng F1 tăng nhanh khiến một số cơ sở cách ly của thành phố gặp khó khăn.
Hai ngày sau 27/6, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn, quy định F1 được cách ly tại nhà 28 ngày. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng hướng dẫn của Bộ Y tế "có những quy định hết sức nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện". Vì vậy, thành phố cần từng bước thí điểm. Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tham mưu cho lãnh đạo thành phố xem xét quyết định.
Ý kiến ()