Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:09 (GMT +7)
Bốn nước EU muốn miễn trừ việc cấm nhập khẩu dầu Nga
Thứ 4, 04/05/2022 | 22:45:39 [GMT +7] A A
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này không thể ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu mỏ nhập từ Nga, do lo ngại sẽ phá hủy an ninh năng lượng, Reuters đưa tin ngày 4/5
“Gói trừng phạt của Brussels sẽ cấm dầu vận chuyển từ Nga đến châu Âu. Trong trường hợp của Hungary, chỉ có một thông báo ngắn gọn là (lệnh trừng phạt có hiệu lực) vào cuối năm sau (2023)”, ông nói.
Ngoại trưởng cho biết Budapest có thể chấp nhận nếu EU không cấm vận nhập dầu thô từ Nga thông qua các đường ống dẫn dầu.
Hiện khoảng 70-85% lượng dầu thô EU nhập từ Nga thông qua tuyến đường biển. Phần còn lại sẽ chảy qua đường ống dẫn dầu Druzhba đến các nước Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech, theo Transport & Environment.
Ngoài Hungary, Slovakia cũng cho biết muốn có giai đoạn chuyển giao kéo dài 3 năm để có thể hoàn toàn ngừng nhập khẩu dầu Nga, theo Bộ trưởng Kinh tế Richard Sulik.
Ông Sulik nói rằng giai đoạn chuyển giao dài hơn sẽ giúp Slovakia có thời gian để tìm nguồn cung thay thế.
Một nguồn tin EU nói với Reuters rằng Hungary và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu thô của Nga cho đến cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện hành.
Tương tự Slovakia, Cộng hòa Czech cho biết ủng hộ quyết định trừng phạt của EU, nhưng sẽ cần 2-3 năm để có thể tăng công suất các đường ống dẫn dầu chảy đến nước này.
Với Bulgaria, "về mặt kỹ thuật, vẫn có thể hoạt động mà không có dầu thô của Nga", Phó thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev nói với tờ Capital hôm 4/5.
"Nhưng điều đó sẽ đẩy giá nhiên liệu tăng đáng kể. Do đó, nếu Ủy ban châu Âu xem xét các trường hợp miễn trừ, chúng tôi muốn tận dụng điều đó”, ông nói.
Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, bao gồm việc loại bỏ dầu nhập khẩu từ Moscow.
EU dự kiến ngừng hoàn toàn việc nhập dầu thô trong 6 tháng, và các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm 2022.
Các đề xuất trên vẫn còn phải chờ tất cả 27 nước thành viên thông qua. Bà Ursula von der Leyen cho biết các cuộc thảo luận "sẽ không dễ dàng", trong bối cảnh một số nước EU phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()