Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:41 (GMT +7)
Bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh: Kỳ tích và câu chuyện tìm lại mình
Thứ 7, 08/01/2022 | 07:56:49 [GMT +7] A A
Mùa giải 2021 vừa kết thúc, bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh xuất sắc giành được kỳ tích đáng tự hào: Hạng 3 Giải Vô địch quốc gia (VĐQG) 2021, lần đầu sau 16 năm góp mặt trong top 3 đội đứng đầu.
Có thể thấy, thành quả này có được, ngoài nỗ lực đáng nể của đội, "sự mát tay" của các HLV tài năng Tuấn Kiệt - Lê Hiền, có thể thấy bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh (TQN) được quan tâm nhiều hơn. Với sự trở lại này, người yêu bóng chuyền Quảng Ninh đang mong ước đội bóng sẽ tiếp nối truyền thống xưa.
Trước đây, đội đã 2 lần vô địch miền Bắc, 9 lần vô địch Quốc gia, nổi danh với nhiều gương mặt là trụ cột của đội tuyển Quốc gia (ĐTQG), như: Lê Thị Cẩm, Trần Thị Hiền, Trần Thị Yến, Lê Thị Hiền... Sau này, bóng chuyền nữ Quảng Ninh đánh mất thương hiệu, thi đấu trồi sụt, gần như mất hút và thường bước vào các giải đấu lớn với tâm thế đội yếu, đội cung cấp điểm. Gần đây nhờ sự quan tâm của tỉnh, chính sách thu hút tài năng, bóng chuyền nữ đang dần thức tỉnh khi được quan tâm, đầu tư để mời các nhà cầm quân tài năng, nguyên là HLV trưởng ĐTQG về dẫn dắt như: Thái Thanh Tùng (mùa giải 2020) đặc biệt là HLV Nguyễn Tuấn Kiệt (từ mùa giải 2021).
Nhắc lại truyền thống và hành trình đó để chúng ta thấy rằng, bóng chuyền nữ đã thay đổi nhanh một cách chóng mặt. Gần đây, nhờ cách làm bài bản, uy tín và sự cầm quân của các HLV giỏi... đang phần nào làm thay đổi cơ bản nữ TQN, từ một đối thủ yếu nay đã cơ bản “lột xác”. Sau 1 mùa dẫn dắt, "cặp bài trùng” HLV Tuấn Kiệt - Lê Hiền (từng đem về HCB môn bóng chuyền nữ cho ĐTQG tại SEA Games 30 tại Philipines) đã giúp TQN thay đổi nhiều. Ở vòng 1 và vòng 2 giải VĐQG vừa qua, nữ TQN không quá khó vượt qua các đội tầm trung, đồng thời cũng làm các đội mạnh, được đầu tư bài bản như: Hoá chất Đức Giang Hà Nội, Bộ tư lệnh Thông tin - FLC... toát mồ hôi. Ở vòng 1 và 2 Giải VĐQG 2021, nữ TQN suýt hạ đo ván đội mạnh Bộ tư lệnh Thông tin - FLC hay đấu ngang ngửa, rượt đuổi nghẹt thở và chỉ chịu thua ở hiệp đấu cuối cùng (tỷ số 10-15) trước đội mạnh là Hoá chất Đức Giang Hà Nội.
Có thể nói, dưới bàn tay của các HLV tài năng đang “nhào nặn”, đổi thay nữ TQN khi bước đầu xây dựng một TQN với một lối chơi riêng, tính gắn kết từ sự nhuần nhuyễn và kết hợp của các VĐV. Và người hâm mộ quan tâm bóng chuyền nữ dường như cũng đang mừng thầm.
Tôi còn nhớ lời một cựu danh thủ nữ Quảng Ninh đã từng chia sẻ, rằng bóng chuyền hiện đại đã và đang đổi thay rất nhiều, không đơn thuần chỉ chơi bởi đam mê, "màu cờ sắc áo" như trước mà còn cần có sự quan tâm, đầu tư và nguồn lực lớn từ các nhà tài trợ. Đó cũng là thực trạng chung hiện nay.
Quả thật, rất dễ thấy “không khí” này ngay ở giải VĐQG 2021 vừa qua. Hầu hết các đội đều treo thưởng, thậm chí là “doping tiền thưởng” cho các trận đấu then chốt. Đơn cử trận bán kết 2, Hoá chất Đức Giang Hà Nội treo và đã thưởng "nóng" 1 tỷ đồng cho trận thắng nữ TQN. Deveco Ninh Bình thưởng “nóng” 500 triệu đồng nếu thắng trận bán kết 1 với Bộ tư lệnh Thông tin - FLC. Chưa kể đội này cũng thưởng trung bình 50 triệu đồng/trận thắng vòng bảng.
Quả thật, nhờ "bầu sữa" nhà tài trợ, nhiều đội đã "thay da đổi thịt". Điều này càng thể hiện rõ ràng khi “cuộc chạy đua” chuyển nhượng VĐV cho mùa giải mới 2022 sắp tới. Ngoài các đội có tiềm lực ổn định, giữ chân các trụ cột, nổi lên là các đội "mạnh tay". Ninh Bình với nhà tài trợ Deveco đã rầm rộ tuyển quân, thu hút các cầu thủ giỏi, như: Chủ công Đinh Thị Thuý (Kinh Bắc Bắc Ninh) hay phụ công Lê Thanh Thuý và Nguyễn Thị Trinh... là các vị trí chủ chốt của các đội. Vĩnh Phúc với Bamboo Airway cũng đã tuyển chuyền hai Lê Thu Hoài (Vietin Bank), quan tâm phụ công tài năng Ngô Thị Bích Vân (Kinh Bắc Bắc Ninh)...
Vẫn biết về lâu dài thì cách làm "chạy đua", "ăn xổi" không phải là phương pháp bền vững mà cần cách làm bài bản, kết hợp các tài năng từ đào tạo trẻ và các trụ cột. Đây cũng là cách làm mà HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, người vốn nổi tiếng "mát tay” trong đào tạo trẻ, đang theo đuổi. Dẫu biết gần đây ông đã đào tạo, gọt giũa được nhiều gương mặt như chuyền hai trẻ Thu Trang và một số VĐV như Mai Khanh, Yến Như... cũng có tiến bộ. Nhưng quả thật vẫn cần giữ chân trụ cột để các tài năng trẻ có thời gian, kịp tiến bộ để khoả lấp vào các khoảng trống đàn chị đã để lại. Trong khi đó, cũng trong tình trạng "chảy máu" trụ cột, nữ TQN vừa chia tay các VĐV quan trọng như: Huyền Trang, Ly Huệ, Thu Hà...
Có thể thấy, với cách làm thời gian qua, bóng chuyền nữ TQN đang đi đúng hướng. Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư đúng hướng và một HLV tài năng, nhiệt huyết với cách làm bài bản thì dường như vẫn cần sự chung tay, "chia lửa", tiếp sức của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà tài trợ lớn để phát huy tiềm năng, truyền thống. Còn nhớ trong quá khứ, nữ Quảng Ninh từng chơi rất tốt, từng 3 lần vô địch ở các mùa giải 1999, 2000 và 2001; giành vị trí thứ 2 ở mùa giải 2005 khi đó với sự đồng hành, tài trợ lần lượt của Bưu điện tỉnh và Tập đoàn Tuần Châu.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()