Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:11 (GMT +7)
Đinh Cao Nghĩa - người nặng lòng với bóng đá Vùng mỏ
Thứ 7, 24/07/2021 | 09:15:50 [GMT +7] A A
Từ một tiền đạo, Đinh Cao Nghĩa lại được đào tạo trở thành... một trung vệ "thép". Ông từng cùng thi đấu với những Nguyễn Đình Hùng A, Nguyễn Đình Hùng B, Vũ Bá Tòng, Bùi Hữu Uy... đã khẳng định tên tuổi quốc gia qua màu áo Than Quảng Ninh (TQN). Ông cũng là người nặng lòng với đội bóng đất Mỏ.
Từ tiền đạo thành trung vệ "thép"
Cựu danh thủ Đinh Cao Nghĩa (SN 1959), từ nhỏ đã đam mê bóng đá. Có lẽ được thừa hưởng sự đam mê và “gen” khéo léo từ người cha vốn là tuyển thủ của Sở Điện cột 5 cũ (nay là phường Hồng Hà, TP Hạ Long), ông Nghĩa cũng nhanh chóng thể hiện được năng khiếu trên sân bóng đá "phủi".
Tài năng và ham mê bóng đá của Đinh Cao Nghĩa vô tình lọt vào “mắt xanh” của các HLV viên đội bóng đá Than Quảng Ninh (TQN) trong những trận bóng đá “phủi” ở sân bóng gần Nhà máy Điện Cột 5 cũ.
Nhờ “tiếng lành” nên khi còn đang học nghề ở khoá 8 của Sở Điện 5 mà Đinh Cao Nghĩa được 1 đội bóng của ngành điện là Điện Hải Phòng đánh tiếng xin về. “Dù không thích tôi theo nghiệp bóng đá, nhưng mẹ tôi lại không muốn tôi đi xa nên đành đồng ý cho tham gia tập với đội trẻ TQN, ở sân Hà Lầm, gần nhà. Quả thật, lúc đó tôi rất vui vì được mẹ đồng ý, bởi bà luôn muốn tôi học hành hẳn hoi thay vì đi theo nghiệp thể thao” - ông Nghĩa hồi tưởng.
Năm 1977, Đinh Cao Nghĩa được tuyển thẳng vào đội Than trẻ. Tập được chừng 1 năm, ông tiến bộ vượt bậc và trở thành 1 trong 2 cầu thủ xuất sắc nhất được đôn lên đội 1 TQN đang thi đấu hạng A1.
Khởi nghiệp ở vị trí tiền đạo nhưng khi lên đội 1 ông được HLV xếp đá… trung vệ. Tuy chỉ cao 1m70, nặng 62 kg, không có thể hình lý tưởng cho một trung vệ nhưng Đinh Cao Nghĩa nhanh chóng thích nghi và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong một đội hình toàn “sao” của TQN khi đó có Hùng A, Hùng B, Tòng “cháy”...
Có lẽ thường xuyên đá ở vị trí tiền đạo nên khi được giao đá hậu vệ, ông đã hiểu và có cách kèm, bắt bài các tiền đạo rất “ngọt”, thông minh. Trong năm đầu tiên thi đấu ở hạng A1, Đinh Cao Nghĩa đã đụng ngay những tiền đạo giỏi khi đó như: Từ Như Hiển (Công an Hà Nội), Lê Quang Linh (Cảng Hải Phòng), Nguyễn Cao Cường (Thể Công)… Vì thế, ông có cơ hội trui rèn để thành trung vệ giỏi. Chỉ sau 1 năm, Đinh Cao Nghĩa chiếm luôn vị trí “cứng” trong đội hình đội 1.
"Đinh Cao Nghĩa có lối đá sắc sảo. Ông là một trung vệ có sức mạnh thể chất, tốc độ, phán đoán tốt, tư duy chiến thuật tốt, đá thông minh mà cũng không hề ngại va chạm. Khi đó, Đinh Cao Nghĩa hợp cùng Đỗ Ngọc Tâm hoặc Trần Hoàn, những trung vệ cao to của TQN, thành một lá chắn “thép” trước cầu môn TQN" - cựu danh thủ Trần Triệu Long, đồng đội của ông Nghĩa chia sẻ.
Trong 10 năm (1979 - 1989) thi đấu cho đội 1 TQN, Đinh Cao Nghĩa cùng với Từ Viết Hà, Đỗ Ngọc Tâm, Phạm Văn Màu trở thành bộ tứ hậu vệ chắc chắn của TQN. Thời gian đó, TQN luôn duy trì vị trí cao tại giải A1, sánh ngang với những đội có tiếng như: Hải Phòng, Thể Công, Công an Hà Nội... Năm 1986, TQN vô địch Giải bóng đá miền duyên hải quy tụ các đội như: Dệt Nam Định, Công an Hải Phòng, Cảng Hải Phòng…
Là một trung vệ nhưng một trong những sở trường của Đinh Cao Nghĩa là ghi bàn từ những quả đá penalty. Để thành tài, ông thường luyện tập cùng thủ môn. Sau khi Bùi Hữu Uy nghỉ thi đấu, Đinh Cao Nghĩa được HLV giao trọng trách sút penalty cho đội.
“Trong sự nghiệp, tôi không nhớ ghi bao nhiêu bàn cho TQN từ penalty. Một bàn hỏng ăn duy nhất mà tôi nhớ mãi là quả penalty trong trận giao hữu với Xi-Nhích, đội bóng mạnh có tiếng của Nga tại sân Hòn Gai năm 1983” - ông Đinh Cao Nghĩa kể lại.
Nặng lòng với truyền thống
Năm 1989, sau trận đấu với đội Đồng Tháp tranh suất lên hạng, TQN bị rớt hạng A2, Đinh Cao Nghĩa cũng giải nghệ. Năm 1990, ông được danh thủ Hùng B, lúc đó là HLV đội TQN, gọi về đá cho đội. Tuy nhiên, lúc đó ông và Từ Viết Hà không gánh nổi đội khi các danh thủ đã nghỉ. Nghỉ thi đấu, năm 1993, Đinh Cao Nghĩa cách xa bóng đá nhưng lại quay lại với bóng đá phong trào ở Than Hòn Gai. Có lẽ đây là bước đệm để nối duyên ông trở lại với bóng đá.
Giai đoạn 1997- 2004, TQN thi đấu không tốt, “ngụp lặn” ở hạng Nhì rồi hạng Nhất. Năm 1997, HLV Nguyễn Đình Hùng B lại gọi ông Nghĩa làm trợ lý HLV cho đội. Mặc dù điều kiện thu nhập, đầu tư cho bóng đá lúc đó không nhiều nhưng ông Nghĩa lại một lần tái xuất với vai trò trợ lý HLV kiêm cầu thủ ở tuổi 40. Năm đó, TQN bất ngờ thăng hạng.
Năm 2005, kết thúc giai đoạn 1, TQN được chuyển giao về Công ty CP Than Hà Tu quản lý. Đinh Cao Nghĩa được tin tưởng giao quyền HLV trưởng từ giai đoạn 2 của giải. Ông đã giúp TQN kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 3.
Năm 2006, TQN dưới quyền HLV Đinh Cao Nghĩa đã thi đấu bùng nổ, thắng trận chung kết tranh quyền lên hạng Nhất với Sara Thành Vinh tại Nghệ An. Giai đoạn từ 2007- 2013, bóng đá TQN thi đấu thất thường, chỉ giữ được ví trí thứ ba, thứ tư chung cuộc, mà không lên hạng. Vì thế, đã có những lời đồn bán độ, làm kinh tế và những câu hỏi "tại sao?"... khiến không ít người trong Ban huấn luyện đội bị tiếng oan.
Dấu ấn của ông Nghĩa giai đoạn này là rèn rũa các tài năng. Ông thường xuyên đi xem và tìm kiếm nhân tố mới ở các giải phong trào của TKV. Từ đó giới thiệu được những Tuấn "say", Hoàng Thọ (HLV đội bóng đá TQN hiện nay), hoặc huấn luyện, khai thác hết tiềm năng của các cầu thủ ngoại vô danh để họ trở thành nổi tiếng như: Samson, Eduardo… Cũng từ đây, những tài năng như: Minh Tuấn, Hải Huy, Tuấn Linh, Tiến Duy… từ đội U17 được đôn lên đội 1, cọ sát, trưởng thành qua từng trận đấu và thành danh, trở thành những trụ cột của TQN.
Năm 2013, Than Quảng Ninh lên hạng thi đấu ở V-League, cán đích ở vị trí thứ 6 năm đó.
Mùa giải 2015 - 2016, ông Đinh Cao Nghĩa nghỉ làm HLV ở đoạn 1 khi TQN đứng thứ 3, khép lại một giai đoạn cháy hết mình cùng TQN nói riêng, bóng đá Vùng mỏ nói chung.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()