Tất cả chuyên mục

Kể từ khi Cu-ba và Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao, thời gian gần đây, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản, EU, I-ta-li-a, Hà Lan và Nga đã tới thăm Cu-ba trong những nỗ lực nhằm thiết lập hay duy trì quan hệ với quốc đảo này...
Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) ngày 30-1 đã đến thủ đô Pa-ri - hai ngày trước khi chính thức bắt đầu chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của lãnh đạo Cu-ba tới nước Pháp kể từ năm 1995. Chuyến thăm được cho là bước tiến mới của đảo quốc Ca-ri-bê trong mối quan hệ với các cường quốc lớn trên thế giới, sau khi Cu-ba khôi phục quan hệ với Mỹ hồi năm ngoái.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô tới Pháp nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa, du lịch giữa hai nước. Thông cáo của Điện Ê-li-dê nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Cu-ba sẽ mở ra một giai đoạn mới trong "tăng cường quan hệ giữa hai nước", tiếp theo chuyến thăm Cu-ba của Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) hồi tháng 5 năm ngoái, chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo nước phương Tây sau hơn nửa thập kỷ quốc đảo Cu-ba bị cấm vận.
Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Cu-ba R.Xi-ê-ra (Rogelio Sierra) kỳ vọng chuyến thăm lần này của Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô sẽ mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với Pháp trên nhiều lĩnh vực-từ chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, đến văn hóa và hợp tác. Dự kiến, nhân dịp này hai bên sẽ ký kết một bản "lộ trình kinh tế" để cải thiện quan hệ cũng như các thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, du lịch và thương mại. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều Pháp - Cu-ba đang ở mức khoảng 195 triệu USD. Theo AFP, một trong những nội dung sẽ được hai bên ưu tiên trong chuyến thăm của Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô tới Pháp là việc hai bên sẽ tuyên bố mở cửa văn phòng Cơ quan phát triển của Pháp tại La Ha-ba-na.
![]() |
Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (phải) và Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ trong cuộc gặp hồi tháng 5-2015 tại La Ha-ba-na. Ảnh: AP |
Kể từ khi Cu-ba và Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao, thời gian gần đây, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản, EU, I-ta-li-a, Hà Lan và Nga đã tới thăm Cu-ba trong những nỗ lực nhằm thiết lập hay duy trì quan hệ với quốc đảo này. Trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới đều mong muốn có sự ảnh hưởng tại Cu-ba, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô lại chọn Pháp là điểm đến trong những ngày đầu năm 2016.
Các nhà phân tích cho rằng, bên cạnh việc xóa nợ, những mục tiêu quan trọng khác của La Ha-ba-na trong chuyến thăm này là muốn Pa-ri có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn để Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ “Lập trường chung về Cu-ba” - rào cản chính cho tiến trình bình thường hóa quan hệ La Ha-ba-na - Brúc-xen. EU gián đoạn quan hệ với Cu-ba năm 2003. Hơn một thập niên sau, tháng 4-2014, EU mở lại đàm phán khôi phục mối liên hệ với nước này. Trong đó, Pháp và Hà Lan là những nước ủng hộ mạnh mẽ việc bình thường hóa quan hệ giữa Cu-ba với EU.
Được biết, Pháp gần đây là bên thúc đẩy thỏa thuận xóa nợ 8,5 tỷ USD cho Cu-ba của Câu lạc bộ Pa-ri, mở đường cho La Ha-ba-na tiếp tục tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế, đồng thời cũng đóng vai trò đi đầu trong tiến trình tăng cường quan hệ giữa Cu-ba và châu Âu nói chung. Thực tế, trong nhiều năm qua, Pháp là nước có quan hệ ngoại giao khá thân thiện với Cu-ba. Pháp cũng là đối tác thương mại quan trọng của quốc đảo này, đứng thứ 11 trên thế giới và thứ 5 tại châu Âu. Trong số các nước phương Tây, Pháp là nước luôn phản đối lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cu-ba. Kể từ năm 1991, Pháp luôn bỏ phiếu tại LHQ chống lại lệnh cấm vận này.
Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy quan hệ với EU, theo các nhà phân tích, mục tiêu lớn nhất của Cu-ba là thúc ép Mỹ sớm dỡ bỏ các biện pháp kinh tế đối với mình. Đó cũng là chìa khóa để giúp Cu-ba nhanh chóng hòa nhập và hội nhập sâu hơn vào thị trường kinh tế tại khu vực châu Mỹ. Thời gian qua, dù đã tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao, Mỹ vẫn lấp lửng trong việc nâng tầm quan hệ với Cu-ba. Đương nhiên, Cu-ba biết rất rõ điều này và để hóa giải, họ nhìn thấy ở Pháp vai trò của một quốc gia trung gian đủ sức để Mỹ phải lắng nghe các nguyện vọng từ Cu-ba.
Trên thực tế, dù không phải là một đồng minh thân cận đặc biệt của Mỹ tại khu vực EU như Anh hay Đức, nhưng công bằng mà nói thì Pháp vẫn luôn là quốc gia có ý nghĩa chiến lược trong các mục tiêu mà người Mỹ hướng tới. Cụ thể là tiếng nói của Pháp trong vai trò là thành viên chính thức của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hay trong các quyết sách lớn của EU. Cho nên, nếu Cu-ba đạt được những thỏa thuận và nâng tầm quan hệ với Pháp trong thời gian tới thì chính Pháp sẽ là quốc gia đi đầu trong việc hối thúc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận trên nhiều lĩnh vực đối với Cu-ba.
Khách quan mà nói, chương mới trong quan hệ Mỹ - Cu-ba cũng như với châu Âu đang khiến đảo quốc Ca-ri-bê này có sự "chuyển mình" đáng kinh ngạc. Hồi năm ngoái, Bộ Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cu-ba thông báo chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài vào 246 dự án thuộc 11 lĩnh vực, với tổng trị giá lên tới 8,71 tỷ USD. Nông nghiệp, khai mỏ, một số ngành công nghiệp, xây dựng và du lịch cũng là những lĩnh vực Cu-ba đang sẵn sàng đón chào dòng vốn đầu tư. Nhằm thúc đẩy chính sách này, Quốc hội Cu-ba năm ngoái đã thông qua đạo luật nhằm bảo đảm và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài bỏ vốn vào "hòn đảo tự do", đặc biệt là vào Đặc khu phát triển Mariel. Hiện tại, đã có khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia có ý định đầu tư vào Đặc khu phát triển Mariel.
Chính vì thế, chuyến thăm của Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô không chỉ được chờ đợi sẽ đặt dấu mốc cho việc cải thiện quan hệ giữa Cu-ba với các nước hàng đầu trên thế giới, mà nó còn được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội cho đảo quốc Ca-ri-bê trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế mới.
Theo QDND
Ý kiến (0)