Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:07 (GMT +7)
Bước tiến mới trên hành trình chuyển đổi số
Thứ 2, 21/10/2024 | 13:34:46 [GMT +7] A A
Trong nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện đang được triển khai tích cực, tỉnh đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể ở cả 3 trục chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, phấn đấu trở thành một trong những hình mẫu về chuyển đổi số trong cả nước. Với quyết tâm cao và nhiều giải pháp hiệu quả, tỉnh đã và đang thu được nhiều kết quả khả quan trên nhiều ngành, lĩnh vực.
Ở trục Chính quyền số - trục giữ vai trò tiên quyết tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực trọng yếu của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, Quảng Ninh có thuận lợi rất lớn khi đã có được nền móng tương đối vững chắc từ những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước đây. Kế thừa những ưu điểm, hiệu quả của hệ thống Chính quyền điện tử đã được tỉnh triển khai xây dựng trước khi tiến trình chuyển đổi số diễn ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đang tiếp tục sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng, phần mềm, hệ thống CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn.
Hiện 100% các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh (trừ văn bản mật theo quy định) được xử lý trên môi trường điện tử; 100% TTHC được cung cấp trực tuyến, trong đó có 91% số hồ sơ TTHC được thực hiện 5 bước (tiếp nhận, giải quyết, trình, ký số, trả kết quả), tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử. Nền hành chính được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan nhà nước nhờ ứng dụng CNTT.
Trong trục Kinh tế số, tỉnh đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đến hết tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, gần 62.000 tài khoản doanh nghiệp; trong đó có hơn 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, hơn 595.000 tài khoản mở bằng hình thức xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân... Bình quân toàn tỉnh có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên. Bên cạnh đó toàn tỉnh còn có gần 802.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ.
Đến hết tháng 9/2024, theo số liệu thống kê có 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử có tên tuổi của Việt Nam như: Voso, Postmart, Tiki… Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hiện giới thiệu và bán 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh; ký kết hợp tác với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Viettel - Viettel Post, VNPT - VietNamPost... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III triển khai mô hình Chợ 4.0; 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%...
Ở trục Xã hội số, tỉnh đang tập trung phổ biến, phổ cập kỹ năng số cho người dân thông qua các khóa tập huấn, đào tạo trực tuyến, các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thay đổi thói quen hành vi về công nghệ số, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trên hành trình chuyển đổi số. Tỉnh cũng đạt được nhiều thành công trong xây dựng các dịch vụ số, tạo môi trường thuận lợi để giúp người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, như: Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại sự hài lòng cho người dân.
Từ ngày 1/1-31/8/2024, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí gần 18.200 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh hoàn thành việc tích hợp chữ ký số, sim ký số của Viettel và dịch vụ ký số công cộng VNPT-CA trên Cổng dịch vụ công để cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử. Đồng thời tích hợp thành công chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại tất cả các bước theo quy trình xử lý hồ sơ TTHC lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử để phục vụ ký số hồ sơ điện tử trong quá trình liên thông, giải quyết TTHC, luân chuyển hồ sơ điện tử.
Trong Xây dựng xã hội số, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, giúp đưa khái niệm chuyển đổi số trở nên thiết thực, gần gũi với đời sống người dân, như: Công trình số hóa bằng công nghệ VR360 Địa chỉ đỏ nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại khu mỏ Quảng Ninh (phường Mạo Khê) của Đoàn Thanh niên TX Đông Triều; mô hình gắn mã QR Code tra cứu thông tin tại 19 điểm di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trên địa bàn TX Quảng Yên của Đoàn Thanh niên TX Quảng Yên; mô hình xây dựng, tuyên truyền, cài đặt mã QR Code thuyết minh về Cột mốc chủ quyền biên giới của các đơn vị lực lượng vũ trang tuyến biên giới phối hợp với tổ chức đoàn ở địa phương…
Song Hà
- Tiên Yên: Để người dân thụ hưởng tối đa tiện ích chuyển đổi số
- Thủ tướng Chính phủ chủ trì chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia
- Chuyển đổi số - Tối ưu hóa hoạt động du lịch
- Doanh nghiệp Quảng Ninh tích cực tham gia chuyển đổi số
- Công an tỉnh giới thiệu sản phẩm công nghệ tại hội nghị chuyển đổi số ngành Công an
- Tiện ích cho người dân, doanh nghiệp từ chuyển đổi số
Liên kết website
Ý kiến ()