Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:54 (GMT +7)
Bệnh viện Bãi Cháy: Bước tiến mới trong điều trị can thiệp ít xâm lấn tại tỉnh Quảng Ninh
Thứ 5, 30/03/2023 | 09:34:15 [GMT +7] A A
Điều trị hiệu quả, bảo tồn tối đa các cơ quan bị tổn thương, không phải trải qua đại phẫu nặng nề, phục hồi nhanh chóng… là ưu điểm vượt trội của các phương pháp điều trị can thiệp hiện đại, ít xâm lấn theo xu hướng phát triển của y khoa thế giới đang được Bệnh viện Bãi Cháy triển khai thường quy. Qua đó giúp người bệnh tại tỉnh Quảng Ninh có thêm lựa chọn khám chữa bệnh chất lượng cao, tiết kiệm chi phí.
Đơn vị đầu tiên ứng dụng nút mạch kết hợp với phá hủy u bằng vi sóng (WMA) trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan
Trước khi có các phương pháp can thiệp tối thiểu như nút mạch, đốt u gan bằng sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng..., các bệnh nhân có khối u gan phải trải qua ít nhất một đại phẫu cắt gan với tiêu chuẩn chặt chẽ như: Một bên gan lành phải phì đại đủ lớn để tránh tình trạng suy gan và tử vong sau phẫu thuật... Quá trình phẫu thuật cắt gan kéo dài nhiều giờ đồng hồ, tiềm ẩn nhiều biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh, như chảy máu, mất máu, quá trình phục hồi sau phẫu thuật lên tới hàng tháng, chi phí điều trị rất tốn kém.
Nhưng giờ đây với kỹ thuật nút mạch kết hợp đốt u gan bằng công nghệ vi sóng là can thiệp ít xâm lấn, được áp dụng như một phương pháp điều trị thay thế phẫu thuật truyền thống với nhiều ưu điểm vượt trội như độ chính xác, tỷ lệ biến chứng thấp, tính thẩm mỹ và hiệu quả phục hồi cao, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị. Bệnh viện Bãi Cháy là một trong những đơn vị y tế đầu tiên tại Quảng Ninh triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng thực tiễn phương pháp nút mạch kết hợp với phá hủy u bằng WMA trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan” và đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (2020-2021).
Bác sĩ Lê Tiến Hưng, Trưởng đơn nguyên Điện quang can thiệp, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: “Mục tiêu của phương pháp điều trị tối thiểu này là vừa làm tắc mạch máu cấp máu nuôi dưỡng khối u, vừa bơm hóa chất trực tiếp vào khối u sau đó kết hợp đốt u bằng vi sóng để phá hủy khối u một cách hiệu quả, triệt để nhất. Thời gian can thiệp ngắn (chỉ khoảng 45 phút cho can thiệp nút mạch và khoảng 30 phút cho quá trình đốt u bằng vi sóng), vết luồn dụng cụ can thiệp rất nhỏ (18G) chỉ tương đương như đầu kim lấy thuốc. Trong quá trình thủ thuật người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, độ an toàn cao, không tiềm ẩn biến chứng chảy máu, mất máu… như các cuộc đại phẫu cắt gan thông thường”.
Để phát triển nhân rộng, chuyên sâu kỹ thuật này, Bệnh viện Bãi Cháy đã nhận được sự đầu tư của tỉnh và ngành Y tế về trang thiết bị can thiệp hiện đại như hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, dàn máy vi sóng, máy siêu âm… Đây chính là cơ sở quan trọng để Bệnh viện tiếp tục làm chủ, phát triển các kỹ thuật can thiệp nút mạch, đốt u bằng vi sóng đối với u gan, u tuyến giáp, u phổi…
Tiên phong phát triển kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da điều trị sỏi đường mật trong và ngoài gan
Theo thống kê, 10-15% dân số cả nước mắc bệnh sỏi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi đường mật trong gan… Sỏi đường mật có thể làm nghẽn dịch mật gây đầy trướng, chậm tiêu, đau bụng… Nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm, trường hợp nặng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật, viêm tụy cấp, viêm gan, áp xe gan, ung thư đường mật, túi mật.
Đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu nâng cao chất lượng điều trị các bệnh lý sỏi mật, giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da trong điều trị sỏi đường mật trong và ngoài gan tại bệnh viện Bãi Cháy”. Theo đó, Bệnh viện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Từng phẫu thuật mổ mở điều trị sỏi mật cách đây 10 năm, bà Đỗ Thị Phiên (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) hiểu rất rõ những lợi ích sức khỏe mà phương pháp tán sỏi đường mật qua da mang lại. “10 năm trước tôi đã được mổ mở để lấy sỏi mật, sức khỏe khi ấy bình phục chậm, thời gian nằm viện cũng dài ngày hơn. Đợt này tái phát bệnh, tôi đến Bệnh viện Bãi Cháy đã được thăm khám, tư vấn phương pháp nội soi tán sỏi đường mật qua da. Sau khi xuất viện về nhà, tôi cảm thấy sức khỏe hồi phục rất nhanh, ăn uống điều độ, tinh thần thoải mái, không bị đau đớn. Tôi thấy phương pháp này rất hiệu quả với những người mắc bệnh lý sỏi mật như tôi”- Bà Đỗ Thị Phiên chia sẻ.
Với kĩ thuật tán sỏi đường mật qua da, bác sĩ sẽ chọc một đường duy nhất có kích thước từ 3 - 5mm từ ngoài cơ thể xuyên qua da vào đường mật trong gan dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA và camera nội soi. Sau khi tạo được đường hầm nhỏ vào đường mật trong gan, một bộ nong rộng đưa máy tán sỏi laser công suất lớn sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống đường mật trong gan (ống gan phải, ống gan trái, toàn bộ ống mật chủ). Các vị trí phát hiện có sỏi sẽ được tán nhỏ, bơm rửa và hút ra ngoài. Kết thúc ca tán sỏi, bệnh nhân được kiểm tra lại bằng Xquang và siêu âm đường mật đảm bảo không còn sót sỏi, tránh nguy cơ tái phát. Do đó, tán sỏi đường mật qua da đòi hỏi phải được tiến hành ở các bệnh viện lớn có trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, đội ngũ bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Theo bác sĩ CKI Chu Mạnh Tường, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da trong điều trị sỏi đường mật trong và ngoài gan tại bệnh viện Bãi Cháy thực hiện từ tháng 5/2021, kết thúc vào tháng 10/2022. Đề tài đã thực hiện trên 55 bệnh nhân, kết quả sau tán sỏi lần 1 có gần 90% bệnh nhân đã hết sỏi, sạch sỏi, tỷ lệ sạch sỏi sau tán lại là 100%. Kết quả mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như: Không phải chịu cuộc mổ lớn, can thiệp tối thiểu mang lại chất lượng cuộc sống, bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt, lao động sớm hơn. Kỹ thuật có thể tiến hành thuận lợi trên nền bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật nhiều lần, tái phát sỏi nhiều lần cần can thiệp. Sau 2 năm triển khai đề tài kết hợp với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì đến nay toàn bộ ê kíp của Bệnh viện Bãi Cháy đã hoàn toàn làm chủ, thực hiện thành thạo kỹ thuật này.
Điều trị bảo tồn nội tạng với điện quang can thiệp
Điện quang can thiệp là các kỹ thuật chuyên sâu, bao gồm các kỹ thuật can thiệp để điều trị có sử dụng các thiết bị hình ảnh để định hướng như máy chụp mạch số hóa, cắt lớp, siêu âm giúp định vị chính xác. Các kỹ thuật can thiệp sử dụng theo đường mạch máu (nút mạch, nong mạch, tái thông mạch,…) hoặc ngoài mạch máu (can thiệp trực tiếp vào tổn thương). Nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh, những năm gần đây, Bệnh viện Bãi Cháy đã triển khai ứng dụng sâu rộng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp như nút mạch khối u, đặt stent mạch vành, nút mạch cấp cứu chấn thương vỡ tạng…
Hiện nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã được trang bị những thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, như: Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), cắt lớp vi tính Revolution CT 512 lát, 128 lát, cộng hưởng từ 1.5 Testla, X-quang kỹ thuật số DR, siêu âm dopler tim mạch, siêu âm 3D, 4D...
Từ năm 2015, Bệnh viện Bãi Cháy đã đưa vào hoạt động Phòng can thiệp mạch số hóa xóa nền DSA hiện đại đồng thời cử bác sĩ đi học tập, đào tạo về các kỹ thuật điện quang can thiệp một cách bài bản… Đến nay, đội ngũ bác sĩ điện quang can thiệp của bệnh viện đã làm chủ và ứng dụng được nhiều kỹ thuật điện quang can thiệp tiên tiến dưới hướng dẫn của siêu âm, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Nhờ đó mỗi năm, hàng trăm ca bệnh liên quan đến chấn thương vỡ tạng (gan, thận…), u tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, u thận... được nút mạch thành công, giúp người bệnh không phải trải qua đại phẫu nặng nề, phục hồi nhanh chóng, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cơ hội sống và giảm tỷ lệ tử vong ở những ca bệnh nguy kịch.
Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng, Trưởng đơn nguyên Điện quang can thiệp, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết thêm: “Trước đây, để điều trị u máu gan vỡ, u thận, u xơ tử cung, ho ra máu kéo dài, tổn thương nội tạng như thận, lá lách, phổi do tai nạn lao động,… bệnh nhân thường phải trải qua đại phẫu nặng nề, mất nhiều máu, vết mổ hở gây đau đớn, thời gian nằm viện kéo dài. Hiện nay, các kỹ thuật nút mạch can thiệp được áp dụng sẽ giúp bệnh nhân cầm máu tức thì, bảo toàn được các vùng nội tạng bị tổn thương, thoát nguy cơ tử vong. Vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước rất nhỏ (như vết tiêm truyền mạch máu), không gây đau đớn, không để lại sẹo, chỉ sau vài ngày bệnh nhân có thể bình phục ra viện, giảm chi phí điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện".
Thời gian tới, Bệnh viện Bãi Cháy sẽ phát huy hiệu quả can thiệp nút mạch điều trị nhiều bệnh lý ung thư khác như u gan, u xơ tử cung, u tiền liệt tuyến… và điều trị cấp cứu hiệu quả các trường hợp chấn thương vỡ tạng. Đồng thời mở rộng phạm vi ứng dụng phương pháp đốt u bằng vi sóng điều trị các bệnh lý u tuyến giáp, u tuyến vú, u phổi, ung thư gan, u di căn gan, u xương... dưới sự hỗ trợ của siêu âm và cắt lớp vi tính. Qua đó nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, giúp người dân tại Quảng Ninh được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Mạc Thảo - Minh Khương (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()