Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:36 (GMT +7)
Bứt phá từ chuyển đổi số
Thứ 3, 04/06/2024 | 06:18:13 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu từ nay đến 2025 phấn đấu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp đã tích cực triển khai giải pháp chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng xu thế, phát triển bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0, Sở Công Thương tích cực phối hợp với các địa phương, ngành ngân hàng tuyên truyền về hiệu quả của việc thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn lắp đặt điểm thanh toán, thay đổi thói quen của tiểu thương và người dân… Mô hình này đã nhận được sự đồng thuận cao của các tiểu thương, hộ kinh doanh và người dân. Đến nay, 100% chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước qua thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ các hộ kinh doanh chấp nhận thanh toán không dùng mặt tại chợ đạt cao, như: Chợ Trung tâm Cẩm Phả đạt 89,58%, chợ Trung tâm Ba Chẽ đạt 65,54%, chợ Minh Thành đạt 76%, chợ Trung tâm Móng Cái đạt 100%... Chị Lương Thị Ngọc Bích (tiểu thương chợ Trung tâm Uông Bí) cho biết: Tôi đã đặt 3 mã quét của các ngân hàng khác nhau phục vụ cho việc khách hàng thanh toán qua tài khoản. Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho việc kinh doanh, nhận tiền của khách cũng như thanh toán khi nhập hàng. Phần lớn người dân hiện nay đều thanh toán bằng quét mã Qrcode nên nếu các tiểu thương không thay đổi hình thức thanh toán sẽ không đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT tích cực xây dựng trường học số. Hằng năm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh rà soát, thống kê và tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, truyền, phần mềm phục vụ hoạt động dạy và học trực tuyến; sử dụng hệ thống quản lý giáo dục thông minh trên cơ sở khai thác hiệu quả các phòng học, trường học thông minh đã đầu tư; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, học tập và tuyển sinh; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy... Đến nay, 100% cơ sở giáo dục triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến, 78,1% học sinh sử dụng các phần mềm học tập, xây dựng được kho học liệu dùng chung của tỉnh với hơn 2.000 học liệu, gần 5.000 video bài giảng, 100% học sinh có hồ sơ và học bạ điện tử, 100% cơ sở giáo dục phổ thông tích hợp nội dung chuyển đổi số trong chương trình giáo dục...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở tăng cường tham mưu công tác mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học trực tuyến đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu theo quy định; đề xuất sử dụng nền tảng, phần mềm chuyên dụng theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có; ban hành văn bản hướng dẫn về thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các đơn vị giáo dục để các cơ sở có căn cứ thực hiện thuê nền tảng xây dựng kho học liệu. Đồng thời, chỉ đạo hoàn thành 100% các cơ sở thực hiện thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ lĩnh vực giáo dục, triển khai học bạ số trong các trường phổ thông từ năm học 2024-2025...
Hiện các doanh nghiệp cũng tăng cường ứng dụng nhằm tiết giảm chi phí, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình: Kho vận và cảng Cẩm Phả - Vinacomin đầu tư nhiều dự án giám sát. Từ năm 2023, Công ty đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống quản lý luồng tuyến ra vào cảng Cẩm Phả bằng hải đồ điện tử, hệ thống quản lý toàn bộ 300 camera tại các khu vực sản xuất, hệ thống quản lý GPS xe vận tải tại 2 khu vực sản xuất tại trung tâm điều hành sản xuất. Đồng thời, từng bước triển khai hệ thống camera AI tại bến, cảng, kho, bãi và khu vực sản xuất nhằm nâng cao công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()