Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:39 (GMT +7)
Ca sĩ Việt hồi sinh album vật lý
Thứ 4, 28/08/2024 | 13:59:53 [GMT +7] A A
Khi công nghệ nhạc số lên ngôi với sự bùng nổ của YouTube, Spotify, Apple Music..., album vật lý dần trở thành "ký ức". Thế nên, khi trào lưu phát hành album nhạc vật lý trở lại, thậm chí thành xu hướng thịnh hành, khán giả không khỏi bất ngờ.
Giới chuyên môn từng dự đoán thị trường băng đĩa sẽ bị xóa sổ khi chứng kiến công nghệ nhạc số ngày càng thịnh hành. Tuy nhiên, khác với những gì nhiều người từng nghĩ, thị trường băng đĩa bỗng dưng náo nhiệt khi hàng loạt ca sĩ phát hành album vật lý. Dù lượng album phát hành không như thời hoàng kim của thị trường băng đĩa nhưng cũng không hề ít.
Vực dậy thị trường
Sau 2 năm chuẩn bị, ca sĩ Quang Dũng vừa phát hành album "Yêu em giữa đời quên lãng". Album gồm những bài tình ca quen thuộc mà theo anh, "đây là những ca khúc tôi vô cùng yêu thích, từng biểu diễn trên các sân khấu và nhận được nhiều tình cảm, sự ủng hộ của người yêu nhạc".
Những ca khúc trong album như: bản mash up "Cơn mưa phùn - Mùa đông sắp đến trong thành phố" (nhạc sĩ Đức Huy), "Anh còn yêu em - Anh còn nợ em" (Phan Thành Tài - Anh Bằng), "Chiều nay không có em" (Ngô Thụy Miên), "Yêu em giữa đời quên lãng" (Trường Sa), "Giáng Ngọc" (Ngô Thụy Miên), "Như biển đêm nay" (Diệu Hương), "Mắt lệ cho người" (Từ Công Phụng), "Biết bao giờ trở lại" (Ngô Thụy Miên)... thể hiện sự trau chuốt của một giọng ca đã định hình trong lòng khán giả yêu nhạc xưa.
Những ca khúc này được khoác chiếc áo mới mang hơi thở đương đại, sắc màu âm nhạc văn minh nhưng vẫn giữ được tinh thần cốt lõi, giá trị thông điệp của tác phẩm.
"Mỗi lần thể hiện ca khúc mình yêu thích, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy như được nhân đôi, cộng hưởng khi khán giả đón nhận" - ca sĩ Quang Dũng bày tỏ.
Trong khi đó, Mỹ Tâm là ca sĩ tiên phong "khai chiến" với công nghệ nhạc số khi cô luôn ưu tiên cho việc phát hành album nhạc vật lý. Năm 2017, khi nhạc số gần như là giải pháp an toàn của thị trường nhạc Việt thì Mỹ Tâm vẫn quyết định phát hành album vật lý "Tâm 9". Trong vòng 1 giờ phát hành, hơn 5.000 đĩa đã được bán, chưa tính số lượng đặt qua online - phá kỷ lục DVD "Heartbeat" trước đó của Mỹ Tâm (3.000 bản/ngày) và vượt cả kỷ lục của album "Yesterday and now" cũng của cô, phát hành năm 2003.
Không chỉ ca sĩ gạo cội, nhiều giọng ca trẻ cũng gia nhập cuộc chơi album vật lý, như: Orange (Khương Hoàn Mỹ), Wren Evans (Lê Phan), rapper Trần Minh Hiếu, Tlinh (Nguyễn Thảo Linh), Phùng Khánh Linh, Đông Nhi, Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi... Sản phẩm của các giọng ca này có giá từ 300.000 đến gần 900.000 đồng/đĩa. Giá album càng cao khi ca sĩ kết hợp bán đĩa cùng các phụ kiện đi kèm như: áo thun, túi, bình đựng nước, hình ảnh…
Nỗ lực của ca sĩ trẻ
Thực tế, thị trường album vật lý tại Việt Nam đang ngày càng nhộn nhịp với sự tham gia của nhiều gương mặt ca sĩ gen Z. Hiện tượng này ít nhiều khiến khán giả nhớ về thời hoàng kim của thị trường băng đĩa cách đây 20 năm.
Theo thống kê của tạp chí Billboard, 46% doanh thu hiện nay của ca sĩ đến từ các website nghe nhạc trực tuyến, 6% từ YouTube, 38% từ việc khán giả tải xuống ca khúc và chỉ có 9% từ doanh thu bán đĩa.
Điều này cho thấy xu hướng thưởng thức âm nhạc của khán giả rõ ràng có sự biến chuyển và số đông đã lựa chọn nghe nhạc trên các nền tảng số vì tính cơ động và tiện lợi. Thị trường nhạc Việt cũng không ngoại lệ. Các ca sĩ đều thừa nhận streaming đang là xu hướng trong ngành âm nhạc.
Tuy nhiên, như chia sẻ của ca sĩ trẻ Phùng Khánh Linh, việc phát hành đĩa vật lý thật sự rất khó khăn và nhiều rủi ro. "Nhưng bản thân tôi muốn mình sẽ có niềm tự hào khi nhìn lại hành trình âm nhạc thông qua những chiếc CD này" - cô bày tỏ.
Nhiều ca sĩ tham gia phát hành album vật lý không mang kỳ vọng kiếm lợi nhuận mà là củng cố tên tuổi dù đối mặt nhiều rủi ro. Những album như: "LoiChoi" - Wren Evans, "Vũ trụ cò bay" - Phương Mỹ Chi, "Ái" - Tlinh, "Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó" - HIEUTHUHAI, "99%" - MCK, "Cam on" - Orange... đều tác động ít nhiều đến việc vực dậy thị trường băng đĩa của nhạc Việt.
Hà Anh Tuấn cũng là một trong những giọng ca có số lượng đĩa nhạc được tiêu thụ "khủng" khi phát hành album vật lý. Lượng album vật lý tiêu thụ hiện tại chắc chắn thua xa thời hoàng kim, song nghệ sĩ lại có điểm tựa để tin rằng sản phẩm của mình hoàn toàn không lỗi thời. Nhiều khán giả đã thể hiện sự yêu mến thần tượng bằng việc lưu giữ kỷ niệm là sản phẩm gắn liền với ca sĩ.
Thực tế, điều này hoàn toàn xứng đáng vì những album của Phương Mỹ Chi, Wren Evans, Tlinh... được đầu tư rất cao về mặt thiết kế, thẩm mỹ, không hề thua kém sản phẩm quốc tế. Không chỉ gây ấn tượng về mặt hình thức, giá trị âm nhạc mà những album này đem lại cũng thật sự khiến ai bỏ tiền ra sở hữu đều cảm thấy xứng đáng. Không phải tự nhiên mà tại nhiều lễ trao giải lớn gần đây, các nghệ sĩ trẻ này đều góp mặt ở những hạng mục quan trọng nhờ album của mình.
Việc ca sĩ ra mắt các sản phẩm âm nhạc dưới dạng vật lý không chỉ khẳng định sự nghiêm túc trong việc làm nghề mà còn tạo ra những tác động tích cực đến các dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực giải trí âm nhạc.
Liệu khán giả có sẵn sàng bỏ ra một số tiền để sở hữu những album với mức giá khá cao của những ca sĩ Việt Nam? Chắc hẳn là có. Sau 3 đợt phát hành đĩa nhạc tại 3 thành phố lớn, Mỹ Tâm đã công bố toàn bộ 10.000 album đều được bán hết. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều người, Mỹ Tâm cho tái bản 2.000 CD và tiếp tục nhanh chóng "cháy hàng".
Tổng cộng, trong đợt phát hành đầu tiên, 12.000 bản CD của Mỹ Tâm đã bán hết. Đầu tháng 1-2018, 20.000 bản khác được tiêu thụ - lập kỷ lục trong làng nhạc Việt. Sau đó, 5.000 đĩa phát hành thêm cũng tiêu thụ nhanh chóng, mang về doanh thu khoảng 5 tỉ đồng - được sử dụng toàn bộ cho chuyến làm từ thiện của Mỹ Tâm.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()