Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:29 (GMT +7)
Thăm những công trình kiến trúc Pháp ở Cẩm Phả
Chủ nhật, 14/11/2021 | 13:30:23 [GMT +7] A A
Khi thực dân Pháp chiếm Vùng mỏ Cẩm Phả, nhằm xây dựng và củng cố bộ máy cai trị, chúng xây dựng nhiều công trình, ngoài các khai trường khai thác mỏ, nhà máy, lô cốt thì còn có nhiều công trình dân sinh.
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi tôi còn là cậu bé theo chân anh chị ra phố mỏ, tôi thật ấn tượng với những công trình được xây dựng từ thời Pháp. Thời điểm đó, Cẩm Phả còn nghèo, rất hiếm có người xây được nhà 2 tầng, thì những công trình của Pháp nổi bật lên không chỉ sự to lớn mà cả về kiến trúc đẹp.
Những công trình dân sinh của Pháp nằm tập trung chủ yếu tại phường Cẩm Tây. Nơi tôi hay đến nhất trước đây là Bưu điện cũ Cẩm Phả do người Pháp xây dựng cũng ở phường Cẩm Tây. Những năm 70 của thế kỷ trước chưa có ti vi, internet và các phương tiện giải trí như bây giờ, trẻ con chúng tôi rất thích đọc báo nên tôi thường có mặt ở Bưu điện cũ, khi có tiền thì mua báo, không có tiền thì mượn của một người nào đó rồi đọc ké. Bưu điện gồm 8 mái lợp ngói, 4 góc và hai phía đầu hồi là hình mái đao có dáng vẻ như 6 con rồng đang bay lên lấy cảm hứng như mái đình cổ của người Việt. Đây là công trình giao thoa giữa nền văn hóa phương Đông với sự tinh tế của kiến trúc Pháp xen kẽ với phong cách kiến trúc Đông Dương.
Những người cao tuổi ở Cẩm Phả kể rằng, vào những năm 50 của thế kỷ trước, người dân gọi đây là “Nhà dây thép”. Ông chủ bưu điện là người Pháp làm việc và ở luôn tại bưu điện, còn lại là hai cô gái người Việt, một cô chuyên chạy đưa thư tín, còn một cô giúp việc.
Khu lưu niệm vùng than nằm ở phố Lê Lợi, phường Cẩm Tây. Thời kỳ Pháp thuộc, khu vực này là nhà ở và là nơi làm việc của quan Đại lý Vavasseur, là viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ. Chính vì lẽ đó mà người dân Cẩm Phả thời thuộc Pháp quen gọi là "dốc ông Đại”, khi Vùng mỏ được giải phóng (năm 1955) khu nhà này trở thành Văn phòng Thị ủy Cẩm Phả. Công trình này hiện do Trung tâm Hợp tác đào tạo Hồng Cẩm (Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam) quản lý. Đây là nơi giáo dục thực tế cho nhiều thế hệ học sinh nhà trường và một số trường của ngành than về lịch sử truyền thống công nhân Vùng mỏ.
Trên địa bàn phường Cẩm Tây còn có Tòa nhà khách, vốn là khu nhà dành cho các kỹ sư, chủ mỏ người Pháp ở. Hiện khu nhà do Công ty Than Thống Nhất - TKV quản lý được sử dụng làm nhà khách và bố trí một số phòng làm việc. Nhà truyền thống Công ty Than Đèo Nai hiện nay cũng là công trình từ thời Pháp. Vào những năm đầu thế kỷ XIX, khu nhà này là dành cho các kỹ sư, chủ mỏ người Pháp ở (người dân Vùng mỏ thường hay gọi là chủ nhì, chủ ba). Công trình này hiện nằm trong khuôn viên khối văn phòng của Công ty CP Than Đèo Nai - TKV.
Có một ngôi nhà của người Việt nhưng mang đậm kiến trúc Pháp vì chủ nhân trước là người làm cai cho Pháp. Ngôi nhà nằm ở số 42 đường Nguyễn Du, phường Cẩm Tây, được xây dựng từ năm 1923. Chủ nhân là một ông cai thầu xây dựng, nhưng do làm ăn thua lỗ, ông bán lại ngôi nhà này cho ông Phạm Huy Chử (tức là ông cai Chử). Năm 1932, ông Chử cho tu sửa lại toàn bộ ngôi nhà và đưa gia đình về đó sinh sống. Ngôi nhà cho đến nay còn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cũ, được chia làm 3 gian chính, mái lợp ngói Mác-xây, cửa sổ bằng gỗ lim, trong kính ngoài chớp. Nền nhà được tôn cao, lát gạch bông, xung quanh có vườn. Theo lời ông Phạm Huy Chín là cháu nội của ông Phạm Huy Chử hiện đang sinh sống ở ngôi nhà này kể lại: Trước đây, ngôi nhà còn có một bức bình phong rất lớn đặt ở phía trước cùng với khu chuồng ngựa, để mỗi khi xe ngựa đến thì chủ xe dừng ở đó mới bước vào nhà. Tuy nhiên, sau trận bom Mỹ đánh phá vào thị xã thời chiến tranh, thì bức bình phong và nơi để xe ngựa bị phá hủy hoàn toàn.
Cẩm Phả giờ đã thay đổi từng ngày và đã có nhiều công trình to lớn đồ sộ. Ấy vậy nhưng những công trình của Pháp xây dựng dù gần trăm năm qua vẫn rất ấn tượng với người dân khu mỏ về cách chọn địa hình xây dựng, kiến trúc và chất lượng bền bỉ với thời gian.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()