Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:19 (GMT +7)
Người dân mong chờ gì ở Phố đi bộ Cẩm Phả?
Chủ nhật, 24/10/2021 | 11:39:30 [GMT +7] A A
Mới đây, TP Cẩm Phả đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến phố đi bộ Cẩm Phả, dự kiến sẽ bắt đầu từ khu vực Nhà hát Công nhân Cẩm Phả (phường Cẩm Tây) và điểm cuối tại chợ Cẩm Đông (phường Cẩm Đông). Vậy người dân mong chờ gì ở phố đi bộ này?
Theo lãnh đạo TP Cẩm Phả thì đây sẽ là sân chơi, nơi buôn bán và giới thiệu các món ẩm thực của Cẩm Phả, đồng thời phố đi bộ còn là nơi khơi dậy và giáo dục cho thế hệ trẻ Cẩm Phả về truyền thống đấu tranh bảo vệ vùng mỏ của cha ông.
Anh Hoàng Văn Dinh ở phố Minh Khai, phường Cẩm Tây cho hay: Cẩm Phả đã lên thành phố gần chục năm nay nhưng chúng tôi vẫn đang chờ đợi một sân chơi. Trước đây cuộc sống khó khăn cứ có ăn có uống là vui, bây giờ đã có ăn phải có chơi, mà chơi phải phù hợp. Với những người đã đứng tuổi như tôi, nhiều khi cũng không biết nên chơi cái gì. Chúng tôi muốn có một chỗ chơi bình dân của tất cả mọi người, ai cũng có thể vào đó chơi được. Như thế, phố đi bộ là phù hợp nhất, có tiền ta vào hàng quán, nếu không có tiền thì ta đi dạo phố cho khuây khỏa, vừa là thể dục khỏe người, lại được hưởng thụ âm nhạc đường phố…
Ông Mai Hữu Phần, 86 tuổi, sống ở phố Nam Tiến, phường Cẩm Bình rất tâm đắc khi thành phố sắp mở tuyến phố đi bộ. Ông Phần là một trong những người được đón Bác Hồ trong lần Bác về thăm mỏ Đèo Nai tháng 3/1959. Khi biết TP Cẩm Phả sẽ xây dựng phố đi bộ, chú trọng phát huy các địa danh, các công trình mang tính lịch sử của vùng mỏ Cẩm Phả trong đó có cả Khu di tích Bác Hồ về thăm, hiện đang nằm trong khuôn viên khu vực Văn phòng Công ty CP Than Đèo Nai, ông Phần cho rằng, đây là việc làm ý nghĩa bởi nó sẽ góp phần chú trọng việc giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Cẩm Phả.
Phố đi bộ dự kiến một khoảng để vẽ tranh tường, theo ông Phần thì thành phố cần mời các họa sĩ, kể cả họa sĩ trong tỉnh cũng rất tốt. Họ sẽ thể hiện bức tranh giống như những câu chuyện lịch sử về cha ông ta đánh giặc giữ nước. Trước đây, bờ tường bao của Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả ở khu vực Quảng trường 12/11 (phường Cẩm Tây) ngày nay, có bức tranh tường của họa sĩ Hoàng Công Luận, cùng một số họa sĩ Vùng mỏ vẽ về cuộc đấu tranh của công nhân mỏ Cẩm Phả thời Pháp thuộc đã tạo rất nhiều ấn tượng cho người dân Cẩm Phả, phố đi bộ nên khôi phục lại tác phẩm này.
Nhiều người cao tuổi ở Cẩm Phả vẫn còn nhớ tới bức tranh tường “Khu mỏ xưa và nay” được họa sĩ Hoàng Công Luận cùng một số họa sĩ khác của vùng mỏ vẽ trên tường. Tranh có chiều cao 2m, dài tới 40m vẽ rất sinh động về cuộc sống khốn khổ, bị bóc lột tàn tệ của thợ mỏ thời Pháp và khí thế của người công nhân khi có ánh sáng của Đảng soi đường chỉ lối… Bức tranh này sau bị bom Mỹ làm hỏng nhưng các họa sĩ trong nhóm, đã vẽ lại bằng bột mầu trên lụa với khổ nhỏ hơn và được trao Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960, đang giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Một công trình ấn tượng gồm nhiều dãy nhà do người Pháp xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc ở phố Lê Lợi (Phường Cẩm Tây). Đây là nhà ở và nơi làm việc của Quan Đại lý Vavasseur là viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ, ngày nay là Khu lưu niệm Vùng than, nằm trong khuôn viên Trung tâm Hợp tác đào tạo Hồng Cẩm (Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam).
Theo ông Phạm Văn Đường, Phó Giám đốc Trung tâm thì nơi đây đã đón hàng nghìn người, thuộc ngành than đến tham quan. Bản thân Trung tâm cũng coi đây là môi trường thực tế để dạy cho học sinh về truyền thống phát triển của ngành than.
Phố đi bộ sẽ được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, 21/2 (2012-2022) và chắc chắn sẽ là công trình văn hóa lịch sử và kinh tế của TP Cẩm Phả, hứa hẹn sẽ đáp ứng mong mỏi của người dân Cẩm Phả.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()