Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:03 (GMT +7)
Các địa phương chủ động phòng chống mưa lũ
Thứ 7, 22/05/2021 | 06:31:43 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xuất hiện bất thường, không theo quy luật, tần suất tăng và cường độ ngày càng lớn…, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là lụt bão, các địa phương trong tỉnh đang chủ động nhiều giải pháp và kế hoạch cụ thể.
Bình Liêu là địa bàn miền núi, nhiều khu vực có nguy cơ cao ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ quét. Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCC), Ban Chỉ huy Phòng PCTT&TKCN huyện đã thống nhất chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTT &TKCN ở mỗi ngành, cấp; thường xuyên kiện toàn, bổ sung các tổ, đội xung kích để kịp thời xử lý tình huống khi có mưa lũ. Huyện cũng chủ động rà soát, có phương án di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét…
Năm 2021, qua rà soát, huyện Bình Liêu xác định được 11 khu vực, điểm bờ sông có hiện tượng sạt lở, nguy cơ ngập úng ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, hoa màu của nhân dân cùng nhiều điểm sạt lở đường dân sinh trong thôn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích đất ở, hạ tầng của nhân dân… Bên cạnh chủ động các phương án ứng phó, huyện Bình Liêu cũng đã xuất đầu tư các dự án cấp bách nguy hiểm sạt lở bờ sông, giai đoạn 2021-2025, cụ thể đối với 8 điểm, tại các xã: Hoành Mô, Đồng Văn, Lục Hồn, Đồng Tâm, thị trấn Bình Liêu.
Không riêng Bình Liêu, TX Quảng Yên cũng được xác định là địa bàn trọng điểm trong công tác PCTT của tỉnh, bởi thị xã có tuyến đê biển Hà Nam dài 33,67km. Trước dự báo năm 2021, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thị xã đã có phương án, kịch bản cụ thể đối với các tình huống.
Đối với phương án di dân tại chỗ, qua kiểm đếm, khu vực Hà Nam có gần 2.000 nhà dân cao tầng, trường học, trụ sở, trạm y tế có thể chứa được gần 4 vạn dân khi có tình huống xấu xảy ra cần phải di dân tại chỗ. Đồng thời, địa phương cũng có kế hoạch di dân ra khỏi vùng nguy hiểm sang khu vực Hà Bắc.
Cùng với đó là các phương án cụ thể về phương tiện, vật tư, như: Rọ thép, bao tải, bạt chắn sóng; đá hộc, xuồng cao su, xuồng cao tốc…; các khu vực cho tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão cũng được chuẩn bị tốt.
Cùng với các địa phương, thời gian qua các đơn vị ngành Than cũng chủ động nạo vét, củng cố các hệ thống thoát nước trong khai trường, kè sông suối, đê chắn đất đá, cắt tầng thải; xử lý, khắc phục sạt lở, sửa chữa các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng đảm bảo thông suốt phục vụ sản xuất và tiêu thụ than, khoáng sản trong mùa mưa bão; trồng cây phủ xanh cải tạo, phục hồi môi trường.
TKV cũng chỉ đạo các công ty thành viên hoàn thành Đề án môi trường cấp bách ngành Than và đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn nguyên môi trường; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai của ngành; chuẩn bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCTT & TKCN khi có yêu cầu. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát, lập phương án di dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, cạnh các khai trường khai thác than, chân các bãi thải mỏ…
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, mùa bão năm nay trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão, PCTT&TKCN được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với mục tiêu “Một xã hội an toàn hơn trước thiên tai”.
Theo đó, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang chủ động, rà soát, bổ sung các phương án PCTT &TKCN, đặc biệt là quan tâm phương án PCTT trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tăng cường rà soát, bổ sung phương án trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương; xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sát thực tế, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()