Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 18:01 (GMT +7)
Các loại thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Thứ 7, 24/08/2024 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ chặt chẽ các phương pháp điều trị để ngăn ngừa biến chứng và phục hồi chức năng tai.
1. Danh mục thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính cho bé thường bác sĩ sẽ kê đơn 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh tác động đến bé như thế nào. Nhưng khi đã cho bé sử dụng kháng sinh thì cần cho uống đủ số ngày chỉ định, kể cả trường hợp bé đã cảm thấy dễ chịu hơn sau 2 - 3 ngày điều trị.
NỘI DUNG:
- 1. Danh mục thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
- 1.1. Sử dụng kháng sinh augmentin, azithromycin và kháng sinh các cephalosporin thế hệ I, II, III để điều trị viêm tai giữa
- 1.2. Sử dụng kháng sinh amoxicillin
- 1.3. Kháng sinh Amox-clav
- 1.4. Sử dụng kháng sinh tại chỗ Quinolon
- 2. Tác dụng của thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
- 3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
- 5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Nguyên tắc này nhằm mục đích đảm bảo nhiễm trùng không quay trở lại, khiến vi khuẩn kháng lại thuốc, từ đó bệnh sẽ nặng hơn, việc điều trị cũng khó khăn hơn.
Hiện các kháng sinh thường được sử dụng điều trị viêm tai giữa bao gồm:
1.1. Sử dụng kháng sinh augmentin, azithromycin và kháng sinh các cephalosporin thế hệ I, II, III để điều trị viêm tai giữa
Trong những trường hợp viêm tai giữa có rách màng nhĩ thì bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh tại chỗ (thuốc nhỏ tai) nhằm mục đích giúp ống tai lành tốt hơn.
1.2. Sử dụng kháng sinh amoxicillin
Trong trường hợp trẻ không dùng kháng sinh nhóm beta lactam, không có tiền sử viêm tai giữa cấp tái phát và không bị viêm kết mạc mủ kèm theo trong vòng 1 tháng qua. Nguyên nhân sử dụng kháng sinh amoxicillin đơn thuần là do nếu thường xuyên dùng kháng sinh mạnh sẽ khiến cho vi khuẩn gây viêm tai giữa kháng lại các thuốc kháng sinh mạnh. Hậu quả là những đợt nhiễm trùng tai hay viêm tai giữa tiếp theo khó điều trị.
1.3. Kháng sinh Amox-clav
Nếu trong vòng 1 tháng có sử dụng kháng sinh nhóm betalactam, kèm theo trẻ bị viêm kết mạc mủ hoặc có tiền sử viêm tai giữa tái phát thì cần phải sử dụng kháng sinh Amox-clav điều trị viêm tai giữa. Tuy nhiên nếu như trẻ bị dị ứng với penicillin thì có thể thay thế bằng thuốc kháng sinh cefdinir hoặc cefpodoxim...
1.4. Sử dụng kháng sinh tại chỗ Quinolon
Nhóm kháng sinh tại chỗ Quinolon gồm ofloxacin, ciprofloxacin. Hiệu quả của thuốc kháng sinh tại chỗ tương đương với đường uống trong trường hợp đặt ống thông nhĩ hầu, viêm tai giữa mạn tính và trẻ bị viêm tai giữa có chảy mủ.
Thực tế cho thấy, các loại thuốc kháng sinh trên chỉ mang tính chất tham khảo và cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra tác dụng phụ và các biến chứng không mong muốn.
2. Tác dụng của thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Mặc dù, không nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa mạn tính cho trẻ em trong tất cả các trường hợp, nhưng chúng sẽ có ích trong việc giúp trẻ cảm thấy dễ chịu nhanh hơn (sau 1-2 ngày). Nếu để viêm tai giữa tự lành, trẻ thường phải chịu sốt và đau trong suốt 4 đến 7 ngày.
Bên cạnh đó, dùng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa cho trẻ em kịp thời sẽ có thể phòng ngừa nguy cơ viêm lan tới não và khu vực các xương quanh tai. Đây là những biến chứng tuy rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa cho trẻ em bị viêm tai giữa có tràn dịch (OME) là không thực sự cần thiết. Do đó, nếu không thể chẩn đoán xác định chính xác loại viêm tai giữa, bác sĩ có thể đề nghị một khoảng thời gian chờ đợi thận trọng để xem liệu cơn đau tai có tự khỏi hay không trước khi kê đơn thuốc kháng sinh. Nếu sau hai ngày, các triệu chứng viêm tai giữa vẫn kéo dài thì bác sĩ mới quyết định sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa cho trẻ em.
Trên thực tế, 80% viêm trùng tai giữa không biến chứng sẽ tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa cho trẻ em. Trường hợp cần đến kháng sinh, quá trình điều trị vào khoảng 7 ngày.
Riêng với viêm tai có tràn dịch đã mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị thích hợp hơn là đặt ống thông tai. Những ống nhỏ này nằm gọn trong màng nhĩ và cho phép tai thông khí và thở, đem lại cảm giác dễ chịu hơn.
3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa cho trẻ em có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn bao gồm: tiêu chảy, xuất hiện ban do nấm ở vùng mang tã, nấm ở miệng, nôn, phát ban,...
Nếu nhận thấy biểu hiện nào kéo dài và nghiêm trọng khi điều trị viêm tai giữa bằng thuốc cho trẻ, hãy mang trẻ đến bác sĩ để khám lại.
4. Chống chỉ định thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Chống chỉ định thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là một yếu tố quan trọng cần được lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trước hết, các loại kháng sinh được sử dụng cần phải phù hợp với từng tình trạng cụ thể và không gây dị ứng. Trẻ có tiền sử dị ứng với một loại kháng sinh nhất định, chẳng hạn như penicillin, không nên dùng các thuốc thuộc nhóm này.
Ngoài ra, các loại thuốc chứa thành phần ototoxic, có khả năng gây tổn hại đến thính lực, cũng cần tránh sử dụng cho trẻ em. Trẻ em có các bệnh lý nền khác như bệnh gan, thận, hoặc rối loạn hệ miễn dịch cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi kê đơn thuốc, để tránh những phản ứng không mong muốn hoặc tương tác thuốc nguy hiểm.
Hiện nay, có nhiều bậc phụ huynh tự ý điều trị cho con bằng cách dùng oxy già nhỏ vào tai, rắc bột thuốc kháng sinh vào tai của con... Những cách làm này là hoàn toàn sai lầm.
Nhỏ oxy già có thể làm bong lớp biểu bì bảo vệ da ống tai, làm chậm quá trình lành vết thương, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Rắc bột thuốc kháng sinh vào tai trẻ sẽ làm bít tắc dẫn lưu dịch, dịch viêm không được dẫn lưu ra ngoài sẽ phá hủy phần xương chũm của tai giữa, gây viêm xương chũm, nặng nề hơn sẽ gây biến chứng nội sọ...
Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý: Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về để tự điều trị, không dùng thuốc theo lời mách bảo của người khác.
Việc chẩn đoán và điều trị phải được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa để tránh các biến chứng nặng nề của thuốc có thể gây ra.
Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc, phụ huynh cần tuân thủ chỉ định về liều dùng và cách dùng thuốc, theo dõi nếu có bất thường (tác dụng phụ của thuốc) có thể xảy ra, báo cho bác sĩ biết để kịp thời ứng phó.
5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Khi sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa cho trẻ em, ngoài việc thuốc uống, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh. Theo đó, để thuốc nhỏ tai phát huy tác dụng tối ưu thì việc nhỏ tai đúng cách như sau là rất quan trọng.
- Trước khi dùng thuốc nhỏ tai cho trẻ, phụ huynh nên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn.
- Cầm dung dịch nhỏ tai trong lòng bàn tay từ 1 đến 2 phút để làm giảm bớt sự khó chịu ở tai khi nhỏ thuốc lạnh.
- Sau đó, tháo nắp chai, để lên bề mặt khô, sạch và kiểm tra ống nhỏ giọt có sạch và đảm bảo không bị sứt mẻ hoặc nứt.
- Khi nhỏ thuốc, để trẻ ở đúng tư thế như sau: nghiêng đầu cho tai bị bệnh hướng lên phía trên và nhỏ số giọt thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tiếp đó, nhẹ nhàng kéo ống tai lên xuống để thuốc chảy vào trong và giữ nghiêng đầu từ 2 đến 5 phút trước khi trở về tư thế bình thường.
Cuối cùng, dùng khăn mềm hoặc khăn giấy lau sạch vùng ngoài tai và đậy nắp thuốc lại.
Sau 48 - 72 giờ dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa mà các triệu chứng không thuyên giảm thì cần cho trẻ tái khám để tìm ra nguyên nhân và có phác đồ điều trị thay thế.
Trường hợp trẻ bị viêm tai giữa có thủng màng nhĩ nếu hiện tượng đau tái phát hoặc dai dẳng thì cần tìm nguyên nhân gây đau khác ngoài viêm tai giữa. Bởi khi trẻ còn đau sau khi điều trị thì có thể là do nhiễm khuẩn lan rộng, viêm tai ngoài do dịch chảy từ tai giữa... Do vậy, việc khám lại để bác sĩ thay đổi nhóm kháng sinh thích hợp hơn.
Khi các triệu chứng viêm tai giữa trở nên tồi tệ hơn sau khi dùng thuốc kháng sinh thì đổi kháng sinh. Ví dụ như đang sử dụng thuốc kháng sinh amoxicillin liều cao nhưng không thấy hiệu quả thì đổi sang amox-cla liều cao...
Đặc biệt khi có triệu chứng viêm tai giữa tái phát sau khi đã điều trị thành công trước đó thì phải cho trẻ khám lại ngay, bởi có thể vi khuẩn kháng lại thuốc điều trị.
Thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa cũng có thể không mang lại hiệu quả. Trường hợp này cần chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ hoặc nếu đi kèm với dấu hiệu viêm đường hô hấp trên hay người bệnh có triệu chứng xuất hiện các biến chứng bệnh viêm tai giữa nặng thì cần phải phẫu thuật.
Để phòng ngừa các biến chứng không mong muốn, đặc biệt là hạn chế nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nguy hiểm, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và được chỉ định sử dụng loại thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa cho trẻ phù hợp.
* Lưu ý: Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()