Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:20 (GMT +7)
Các ngân hàng liên tục đua lãi suất huy động, vượt 11%/năm
Thứ 5, 24/11/2022 | 17:15:58 [GMT +7] A A
Nếu cuối tháng 10, mốc lãi suất 9%/năm chỉ lác đác "đếm trên đầu ngón tay," thì nay mức lãi suất này đã được niêm yết ở hàng loạt ngân hàng, có ngân hàng đã áp dụng lãi suất cao nhất lên hơn 11%/năm.
Trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục được điều chỉnh.
Nếu hồi cuối tháng 10, mốc lãi suất 9%/năm chỉ lác đác "đếm trên đầu ngón tay," thì nay mức lãi suất này đã được niêm yết ở hàng loạt ngân hàng. Thậm chí, có ngân hàng đã áp dụng lãi suất cao nhất lên hơn 11%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa niêm yết bảng lãi suất huy động mới; trong đó lãi suất cao nhất lên tới 11,1%/năm, tăng gần 0,5%/năm so với tuần trước. Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 ngày qua VPBank tăng mạnh lãi suất huy động.
Lãi suất trên 11%/năm được ngân hàng này áp dụng cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm Prime Savings kỳ hạn 36 tháng, các tháng tiếp theo lãi suất là 9,25%/năm.
Tại các kỳ hạn khác của sản phẩm Prime Savings, VPBank cũng niêm yết lãi suất ở mức cao, từ 10,22%/năm cho tháng đầu tiên của kỳ hạn 6 tháng; lãi suất các tháng sau từ 8,52%/năm...
Đối với tiền gửi thông thường, VPBank cũng tăng lãi suất thêm 0,3-0,4%/năm với tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Gửi tiết kiệm VPBank kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất từ 8,7-8,9%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất từ 9,1-9,4%/năm...
Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank), lãi suất tiền gửi nhiều kỳ hạn tăng từ 0,4-0,6%/năm, đưa lãi suất cao nhất tại ngân hàng này lên thành 9,1%/năm, áp dụng cho số tiền trên 1 tỷ đồng gửi kỳ hạn 13 tháng.
Cùng mức gửi trên 1 tỷ đồng, BacABank niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên mức 8,9%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng là 8,7%/năm.
Còn với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất tại BacABank kỳ hạn từ 18 tháng tăng lên thành 8,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên mức 8,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 8,5%/năm.
Cũng trong xu hướng tăng lãi suất, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) vừa đưa lãi suất cao nhất lên 9,2%/năm, áp dụng từ ngày 23/11/2022 cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 18 và 24 tháng. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng được nâng lên mức tối đa 1%/năm với khách hàng duy trì số dư tài khoản thanh toán trên 15 triệu đồng.
Trước đó, một số ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… đã niêm yết lãi suất huy động cao nhất trên 9%/năm.
Nhiều ngân hàng có lãi suất trên 9,5%/năm như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB).
Lãi suất cao nhất trên 10%/năm còn xuất hiện tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Chưa dừng ở đó, Sacombank còn "tung chiêu" tặng ngay tiền thưởng tương đương nửa tháng tiền lãi với kỳ hạn từ 6 tháng và 1 tháng tiền lãi với kỳ hạn từ 12 tháng cho khách hàng cá nhân gửi tiền từ 300 triệu đồng và doanh nghiệp gửi từ 500 triệu đồng.
Như vậy, khách hàng gửi tiền đáp ứng được yêu cầu trên của Sacombank có thể hưởng lãi 6 tháng là 8,94%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 9,64%/năm. Tiền thưởng sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản thanh toán hoặc tài khoản thẻ tín dụng của khách hàng tại thời điểm gửi tiền.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng trở lại, thêm hơn 106.000 tỷ đồng trong tháng 9. Cụ thể, tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế tăng mạnh thêm gần 105.000 tỷ đồng so với cuối tháng 8, đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư chỉ tăng thêm 1.436 tỷ đồng, đạt 5,63 triệu tỷ đồng.
Tính đến hết quý 3/2022, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này là rất thấp so với tăng trưởng tín dụng khoảng 11% sau 9 tháng, gây sức ép lên thanh khoản của nhiều ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, thiếu thanh khoản là một trong các nguyên nhân chính khiến ngân hàng thương mại liên tục "đua" tăng lãi suất. Mặt khác, các ngân hàng cũng phải "nhìn nhau mà tăng," nếu không thì dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Thực tế cho thấy, lãi suất huy động hiện nay đã cao hơn từ 3-4%/năm so với đầu năm, nhưng theo giới chuyên gia sức ép nâng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 vẫn còn và có thể tiếp diễn trong ít nhất là nửa năm tới. Bởi tăng lãi suất vừa là biện pháp giữ chân và thu hút khách hàng mới, vừa để chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đón hạn mức tăng trưởng tín dụng mới vào đầu năm 2023, phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Dù vậy, lãi suất huy động tăng cao cũng gây áp lực không nhỏ tới lãi suất cho vay.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho biết mặt bằng lãi suất có xu hướng tiếp tục đi lên như hiện nay sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao, có thể làm giảm hoạt động đầu tư, kinh doanh, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động do chi phí vốn quá cao.
Trong khi đó, lãi suất tăng cao cũng khiến các ngân hàng bị suy giảm lợi nhuận và đối diện với nguy cơ nợ xấu khi cho vay mới trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhận định việc tăng lãi suất tuy là lời giải chung cho vấn đề chống lạm phát nhưng lãi suất tăng lại làm tăng chi phí sản xuất đầu vào dẫn đến áp lực lạm phát chi phí đẩy cho cả nền kinh tế.
Dù vậy, lãi suất tăng cao cũng mang lại "hậu quả" tích cực là người dân sẽ giảm hoạt động tiêu dùng không cần thiết, tiết giảm đầu tư vào các lĩnh vực khác, "thắt lưng buộc bụng" hơn, giúp giảm lạm phát. Nhưng ngược lại, điều này lại làm giảm tổng cầu xã hội, giảm tăng trưởng kinh tế.
Trong diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên... Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước đồng thời khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()