Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:41 (GMT +7)
Các ngân hàng trung ương chạy đua lãi suất theo Fed
Thứ 5, 03/11/2022 | 22:43:33 [GMT +7] A A
Xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đi lên gần như đã chắc chắn sau khi Fed lần thứ tư liên tiếp tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm.
Trong cuộc chiến chống lạm phát chưa thấy điểm dừng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/11 công bố một đợt tăng lãi suất lớn khác dù hiểu rằng các nỗ lực của ngân hàng trung ương này có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Fed đã lần thứ tư liên tiếp tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất lên khoảng 3,75-4%. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp và là lần tăng lãi suất thứ sáu của Fed kể từ tháng 3/2022.
Đối với các ngân hàng trung ương khác, xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ đi lên gần như đã chắc chắn, tuy còn nhiều điều phải cân nhắc.
Tín hiệu về chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc?
Ngay sau quyết định của Fed, hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh cùng ngày 2/11 thông báo tăng lãi suất chủ chốt.
Quyết định của Fed có vai trò định hướng chính sách tiền tệ của Vùng Vịnh, vì hầu hết các loại tiền tệ của khu vực được neo theo đồng USD.
Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực - đều tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Bahrain cũng tăng lãi suất chính thêm 75 điểm cơ bản.
Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương ở một số nước phát triển đã tìm cách thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Những nỗ lực này đã hứng chịu nhiều phản ứng dữ dội từ các nhà hoạch định chính sách toàn cầu và Liên hợp quốc. Họ cảnh báo rằng việc tăng lãi suất sẽ có tác động bất lợi tới các nền kinh tế đang phát triển vốn không có thị trường lao động linh hoạt.
Sang tháng 10, tốc độ và quy mô tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã chậm lại đáng kể sau khi chạm mức đỉnh lịch sử hồi tháng Chín.
Theo thống kê của hãng tin Reuters, các ngân hàng trung ương giám sát bốn trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất toàn cầu đã đưa ra tổng mức tăng lãi suất 200 điểm cơ bản vào tháng trước.
Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đều đã tăng lãi suất cho vay.
Lãi suất ở các ngân hàng lớn còn lại không thay đổi, mặc dù không phải tất cả - chẳng hạn như Fed hoặc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) - đều tổ chức cuộc họp chính sách vào tháng 10.
Để so sánh, 8 trong số 10 ngân hàng trung ương lớn nhất đã tăng lãi suất tổng cộng 550 điểm cơ bản vào tháng Chín, đánh dấu tốc độ thắt chặt nhanh nhất trong ít nhất hai thập kỷ.
Các động thái mới nhất đã nâng tổng mức tăng lãi suất từ đầu năm 2022 tới nay của các ngân hàng trung ương thuộc nhóm trên lên 2.050 điểm cơ bản.
Chuyên gia Marko Kolanovic tại ngân hàng JPMorgan cho biết tốc độ thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương có thể đã đạt đỉnh.
Theo ông Kolanovic, những lời lẽ ôn hòa hơn từ ECB, BoC, Fed và RBA gần đây cho thấy tốc độ điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể chậm lại trong những tháng tới, dù vẫn còn sớm để đánh giá liệu điều này có đồng nghĩa với việc lãi suất cuối kỳ thấp hơn dự báo hay không.
Số liệu từ các ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi cũng vẽ nên một bức tranh tương tự.
Năm trong số 18 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất tổng cộng 325 điểm cơ bản trong tháng 10 - chưa bằng một nửa so với mức của tháng Chín và thấp hơn nhiều so với mức 800 điểm cơ bản tính chung trong cả tháng Sáu và tháng Bảy.
Indonesia, Hàn Quốc, Israel, Colombia và Chile đều nâng lãi suất với chu kỳ tăng cũng sắp kết thúc.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các trường hợp hiếm hoi, nơi Tổng thống Tayyip Erdogan đang thúc đẩy lãi suất thấp hơn và đưa ra mức cắt giảm lãi suất tới 150 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 10.
Mức giảm này lớn hơn dự kiến mặc dù lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đang trên mức 80%.
Tổng cộng, các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất 6.765 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay, cao hơn gấp đôi so với 2.745 điểm cơ bản trong cả năm 2021.
Còn quá sớm để lạc quan
Các thị trường gần đây đã được cổ vũ từ những dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn - đặc biệt là Fed - đang chậm lại.
Tuy nhiên, ông Jean Boivin, người đứng đầu Viện Đầu tư BlackRock cho biết sự lạc quan đó có thể là quá sớm.
Trong một báo cáo hàng tuần từ nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới hôm 31/10, ông Boivin cho biết các ngân hàng trung ương đang trên con đường thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức.
Theo ông, Fed - giống như các ngân hàng trung ương của các thị trường phát triển khác - sẽ chỉ dừng lại khi thiệt hại nghiêm trọng từ việc tăng lãi suất rõ ràng hơn. Quan điểm của BlackRock là lãi suất hiện tại đã chạm mức có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Kết thúc cuộc họp ngày 2/11 Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm như dự đoán, nhưng báo hiệu việc tăng chi phí đi vay trong tương lai có thể hạn chế hơn.
Động thái đó để phù hợp với việc “thắt chặt chính sách tiền tệ từng phần” mà ngân hàng trung ương này đã thực hiện cho đến nay.
Giới quan sát cho rằng việc đưa những chỉ báo đó vào tuyên bố ngày 2/11 là một sự thừa nhận đáng chú ý về những rủi ro mà Fed phải đối mặt khi ứng phó lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Powell sau đó lại cảnh báo rằng điều đó không đồng nghĩa Fed sẽ sớm dừng việc tăng lãi suất. Ông nhấn mạnh rằng “còn rất sớm để nghĩ đến việc tạm dừng điều chỉnh chính sách."
Các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu.
Lạm phát trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng tốc lên 10,7% vào tháng 10 và dự kiến sẽ duy trì trên mục tiêu 2% của ECB đến tận năm 2024.
Nhà hoạch định chính sách Pablo Hernandez de Cos cho biết ECB sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát ngay cả khi khả năng suy thoái của Eurozone ngày một lớn.
Song ông De Cos cũng thận trọng rằng mức độ và tốc độ tăng lãi suất ra sao sẽ còn phụ thuộc vào triển vọng lạm phát cũng như tăng trưởng của nền kinh tế khu vực.
ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 200 điểm cơ bản tại ba cuộc họp vừa qua. Theo bà Lagarde, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất cao hơn trong tương lai.
Đối với BoE, ngân hàng trung ương này được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 3% trong cuộc họp ngày 3/11, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1989 khi phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm.
BoE đã phải đối phó với bất ổn trên cả thị trường chính trị và tài chính kể từ lần tăng lãi suất gần nhất vào ngày 22/9, một ngày trước khi chính phủ của cựu Thủ tướng Liz Truss tung ra gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh (52 tỷ USD) mà không có nguồn tài chính đảm bảo.
Thị trường hiện đã ổn định hơn, với chi phí đi vay của Chính phủ Anh đã quay trở lại mức trước biến động.
Ngày 1/11, BoE đã có thể bắt đầu bán trái phiếu từ kho dự trữ nới lỏng định lượng trị giá 838 tỷ bảng Anh.
Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản đối với nền kinh tế Anh vẫn còn. Lạm phát giá tiêu dùng đã quay trở lại mức cao nhất trong 40 năm là 10,1% vào tháng Chín và có khả năng còn tăng thêm vào tháng 10, khi giá năng lượng tăng vọt bất chấp các khoản trợ cấp đắt đỏ.
Đồng thời, nền kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm lại. Số liệu về hoạt động mua sắm của các nhà quản lý đã giảm trong tháng 10 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, khi nền kinh tế bị sa lầy trong tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19.
BoJ vẫn ngoài cuộc
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda hôm 2/11 ám chỉ khả năng điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, cho rằng đó có thể là một lựa chọn trong tương lai nếu lạm phát tiếp tục tăng.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, ông cho hay chưa thấy cần phải tăng lãi suất hoặc thực hiện bất kỳ sửa đổi nào đối với đường cong lợi suất.
Thống đốc BoJ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nền kinh tế mong manh bằng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Tuy nhiên, ông bỏ ngỏ khả năng rằng nếu Nhật Bản nhận thấy triển vọng lạm phát ở mức 2% kèm theo việc tăng lương, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ tất nhiên sẽ cần thiết.
Nhận xét này có thể sẽ tiếp tục duy trì kỳ vọng của thị trường về việc BoJ sẽ điều chỉnh lãi suất cực thấp, khi nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông Kuroda, người có xu hướng ôn hòa, sẽ kết thúc vào tháng 4/2023.
Cựu thành viên hội đồng quản trị BoJ Makoto Sakurai, một cộng sự thân cận của ông Kuroda, cho biết BoJ có thể điều chỉnh mục tiêu lợi suất trong năm tới nếu nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng vững chắc trong khoảng 1,5-2% trong năm tới. Dù vậy nhìn chung, chính sách của BoJ sẽ vẫn theo hướng ôn hòa.
BoJ vẫn là một ngoại lệ trong làn sóng các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ, khi họ tập trung vào việc tái cấu trúc một nền kinh tế mong manh với các biện pháp kích thích tích cực./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()