Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 05:45 (GMT +7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học, cao đẳng
Chủ nhật, 01/09/2024 | 16:30:07 [GMT +7] A A
Năm học mới 2024-2025 đã bắt đầu ở một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh từ tháng 8/2024. Bước vào năm học này, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều nhóm giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại Trường Đại học Hạ Long, năm học này, Trường tuyển sinh 3 ngành trình độ thạc sĩ, 22 ngành trình độ đại học (trong đó, có 5 ngành mới tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Ngành Kế toán và 4 ngành Sư phạm), 2 ngành trình độ cao đẳng và 5 ngành trình độ trung cấp. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ ngày 29/8, Trường Đại học Hạ Long đã tổ chức nhập học đợt chính thức (đợt 1) cho sinh viên khóa 10, với trên 2.300 thí sinh đã trúng tuyển nhập học.
Tiến sĩ Lê Anh Tú, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long cho biết: Đây là 1 năm có số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến từ nay đến hết tháng 9, Trường sẽ có thêm khoảng 200 thí sinh trúng tuyển, nhập học. Ngoài ra, đối với các hệ đào tạo thạc sĩ và liên thông đại học, nhà trường đang tiến hành tuyển sinh từ nay đến cuối năm. Như vậy tại thời điểm này, quy mô người học của Trường đạt khoảng 7.700 sinh viên (không bao gồm khối học sinh của trường mầm non và trường thực hành sư phạm).
Đến nay, cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo, giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long đã cơ bản được tỉnh đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống phòng học, giảng đường có thể đáp ứng tốt cho quy mô 8.000 người học. Đội ngũ hiện tại có 298 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 46 phó giáo sư, tiến sĩ, 194 thạc sĩ. Ngoài các giảng viên là cán bộ cơ hữu, mỗi năm, nhà trường có từ 200 đến 300 lượt giảng viên thỉnh giảng, chuyên gia từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước tham gia giảng dạy.
Trong năm học 2024-2025, Trường Đại học Hạ Long sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong đào tạo, tổ chức thực tập, thực tế và đánh giá người học. Các hoạt động này sẽ góp phần quan trọng giúp người học tiếp cận thực tế, vận dụng các kiến thức đã được học vào thực tiễn và rèn luyện kĩ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm học 2024-2025, các sinh viên năm 2, 3, 4 đã bắt đầu học kỳ từ ngày 19/8. Còn đối với sinh viên năm nhất mới nhập học sẽ có tuần học chính trị đầu khóa từ ngày 4/9-8/9 và bắt đầu học chuyên môn từ 9/9. Lễ khai giảng năm học dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024.
Còn tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, theo ghi nhận, năm học 2024-2025, nhà trường cũng đào tạo gần 1.000 học sinh, sinh viên ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Gồm: 5 mã nghề cao đẳng, 5 nghề trung cấp, 5 nghề sơ cấp. Đặc biệt, năm học này, nhà trường bắt đầu tuyển sinh 3 mã nghề cao đẳng là: Y sỹ đa khoa, Kỹ thuật phục hồi chức năng và Hộ sinh. Trước thềm năm học mới, Trường đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh đặc biệt đối với 2 nghề thu hút theo chính sách của tỉnh là Điều dưỡng và Dược cũng như các ngành mới.
Đến ngày 30/8/2024, nhà tường đã tuyển sinh đạt 70% chỉ tiêu, trong đó có 420 sinh viên hệ chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng, 36 học viên sơ cấp; 480 học viên các lớp đào tạo ngắn hạn. Nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đến hết ngày 31/12/2024.
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã tiến hành nhập học cho học sinh, sinh viên trúng tuyển từ ngày 9/8, về cơ bản đến thời điểm hiện tại các em đã ổn định lớp, chỗ ở và bắt đầu học tập các môn học cơ sở.
Bà Phạm Hoài Thương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh cho biết: Năm học mới, nhà trường đã tuyển dụng thêm 9 giảng viên nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trong đó có 3 bác sỹ và 6 dược sỹ. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch cử cán bộ giảng viên tham gia học tập, nâng cao trình độ tại các cơ sở y tế, doanh nghiệp nhằm cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
Đặc biệt, dịp hè vừa qua, nhà trường đã tích cực mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị sẵn sàng phục vụ cho công tác đào tạo, đầu tư mua mới và sửa chữa hệ thống máy tính của phòng thi trắc nghiệm, cũng như lắp hệ thống camera tại các phòng học nhằm tăng cường công tác giám sát, nâng cao chất lượng dạy và học của thầy trò nhà trường.
Tương tự, từ tháng 8/2024, 1.500 sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đã chính thức bước vào năm học mới. Quy mô đào tạo hiện nay dù giảm nhiều so với trước song nhà trường vẫn nỗ lực, tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện phương châm ít mà chất lượng. Trường tiếp tục xây dựng mối liên kết mật thiết với nhiều doanh nghiệp lớn để sinh viên học có cơ hội được thực hành, thử việc, làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu thực tế tại địa phương.
Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đang có 9 ngành, 23 chuyên ngành. Các ngành của trường hầu hết phục vụ nhân lực, định hướng chế biến chế tạo của tỉnh như: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin. Kinh phí mua sắm trang thiết bị để phục vụ thực hành, thực tập, đào tạo trên 4 tỷ đồng/năm.
Được biết, đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 1 cơ sở trực thuộc trường đại học. Theo Sở LĐ-TB&XH, 8 tháng năm 2024, các đơn vị đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới cho trên 20.800 người (kế hoạch năm 2024 là 40.000 người).
Để nâng cao chất lượng đào tạo trong năm học mới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung đều xác định chú trọng đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo, nhằm phát triển quy mô đào tạo. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp, chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.
Năm nay, Sở LĐ-TB&XH - đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cũng đã tích cực tham mưu với tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, riêng biệt, nhằm từng bước nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo đó, hiện, Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh "Về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025"; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.
Với sự quan tâm của tỉnh, sự đồng hành của Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan, giáo dục cao đẳng, đại học sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong giai đoạn tới.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()