Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:55 (GMT +7)
Cách ly là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch Covid-19
Thứ 5, 20/05/2021 | 06:56:22 [GMT +7] A A
Từ ngày 27/4, Việt Nam xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 4. Việc xuất hiện biến chủng mới có khả năng lây nhiễm cao hơn kèm theo việc nhiều ca bệnh sau khi hoàn thành cách ly (14 ngày) có lộ trình di chuyển dày đặc khiến tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến vô cùng phức tạp. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, về vấn đề này.
- Người mắc, nghi mắc Covid-19 và tiếp xúc với người mắc, nghi mắc Covid-19 được cách ly tập trung hoặc tự cách ly tại nhà theo quy định như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Đối với việc cách ly phòng, chống dịch Covid-19 thì Bộ Y tế đã có Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7/8/2020, hướng dẫn rất rõ về áp dụng các biện pháp cách ly đối với từng trường hợp cụ thể. Với người mắc bệnh (F0) sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại các bệnh viện có điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các trường hợp cần cách ly tập trung, gồm: Người tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 (F1), người nhập cảnh từ nước ngoài, người đến từ những vùng có dịch, đi/đến/ở các địa điểm cùng thời gian với bệnh nhân Covid-19 theo thông báo của Bộ Y tế hoặc các cơ quan y tế có thẩm quyền.
Các trường hợp cách ly tại nhà là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với các ca bệnh xác định (F2), người đến từ các vùng có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 tại từng thời điểm theo thông báo của các cơ quan y tế có thẩm quyền.
Cùng với đó, các trường hợp tiếp xúc gần với F2 là F3 và tiếp xúc gần với F3 là F4, các trường hợp đến từ các vùng có nguy cơ thấp hơn sẽ thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà.
Việc chuyển hình thức cách ly từ cách ly tại nhà sang theo dõi sức khỏe phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm, kết quả phân tích dịch tễ liên quan và kết quả đánh giá tình hình dịch bệnh của các đơn vị có thẩm quyền, thường do ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương quyết định.
- Bác sĩ cho biết, đối với người vừa hoàn thành cách ly tập trung thì cần tiếp tục thực hiện các quy định gì về cách ly?
+ Theo hướng dẫn mới nhất tại Công văn số 600/CĐ-BCĐ ngày 5/5/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung 21 ngày cần tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và phải được xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 7. Vì vậy, cơ quan tổ chức cách ly cần thực hiện bàn giao người hoàn thành cách ly cho địa phương mà người cách ly sẽ về cư trú.
Khi về đến địa phương, người cách ly cần phải khai báo ngay với cơ quan y tế để được quản lý và theo dõi sức khỏe. Người cách ly cần thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch như: Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác. Nếu có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi trong thời gian theo dõi cần thông báo ngay với y tế địa phương để được xử lý, giám sát kịp thời.
- Hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà đều áp dụng thời gian 21 ngày, thưa bác sĩ?
+ Hiện thời gian cách ly tập trung và cách ly tại nhà đều áp dụng đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. Trong những tháng gần đây Việt Nam ghi nhận một số biến chủng mới nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và đa số trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng nên dễ bỏ sót trong quá trình rà soát. Một số trường hợp xuất hiện muộn, sau 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với nguồn lây. Việc kéo dài thời gian cách ly sẽ tránh bỏ sót các trường hợp có khởi phát muộn.
Vì thế, để đảm bảo khẳng định chắc chắn không nhiễm bệnh, không để xảy ra sự lây nhiễm ra cộng đồng, cần thực hiện cách ly 21 ngày thay vì cách ly 14 ngày như trước đây.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú cần thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, cụ thể như sau: - Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét. - Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly. - Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. - Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. - Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. - Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở. - Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. - Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly. - Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú. |
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()