Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 04:49 (GMT +7)
Cách mạng tháng 8: Bài học về sự sáng tạo của Đảng và đoàn kết dân tộc
Thứ 5, 19/08/2021 | 07:25:26 [GMT +7] A A
Cuộc cách mạng tháng Tám nổ ra dưới hình thức là các cuộc biểu tình chính trị khổng lồ của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, kết hợp với đầu tranh ngoại giao, sáng tạo thông minh.
Mùa Thu năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam Nam với 15 năm tuổi đời cùng với lực lượng nhỏ bé (khoảng 5.000 Đảng viên) đã tổ chức thành công cuộc Cách mạng tháng Tám trên khắp Việt Nam chỉ sau 15 ngày. Với thắng lợi ấy, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 1.000 năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phóng viên báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, tiến sỹ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) về những ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng vĩ đại này.
“Đem sức ta giải phóng cho ta”
- Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa thế nào trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thưa giáo sư?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Nói đến ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám, đầu tiên phải nhấn mạnh cuộc cách mạng này đã chấm dứt sự thống trị của ngoại bang trên đất nước ta, giành lại nền độc lập của dân tộc. Chỉ bằng cuộc cách mạng tháng Tám, hàng triệu nhân dân Việt Nam tự mình đem sức ta giải phóng cho ta, vùng lên giành lấy chính quyền giúp nước ta trở thành một quốc gia độc lập thực sự.
Thứ hai, Cách mạng tháng Tám đã mang lại quyền tự do cho nhân dân Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam từ địa vị của những người “vong quốc nô” (người dân mất nước) trở thành người dân làm chủ chính đất nước, vận mệnh của bản thân họ.
Thứ ba, với việc cách mạng tháng Tám lật đổ chính quyền quân chủ Việt Nam đã mở đường cho việc xác lập chế độ dân chủ cộng hoà lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, Đông Nam Á và cả châu Á. Với việc xác lập chế độ dân chủ cộng hoà thì người dân Việt Nam mới thực sự trở thành công dân của một nước tự do, độc lập.
Thứ tư, trong Cách mạng tháng Tám, nhân dân Việt Nam vùng lên giành lại quyền độc lập, quyền tự do và mở đường để đấu tranh, ngăn chặn cuộc chiến tranh tái chiến thuộc địa của thực dân Pháp khi mà thực dân Pháp đã điều động binh lính đi trên ba chiến hạm để quay trở lại để tiến hành chiến tranh tái chiến thuộc địa. Với cuộc cách mạng này chúng ta giải phóng hào khí dân tộc, đoàn kết dân tộc giành lấy quyền chủ động chuẩn bị kháng chiến, chống lại bất kỳ âm mưu nào của các thế lực ngoại bang.
Thứ năm, Cách mạng tháng Tám nằm trong một bộ phận cuộc đấu tranh của phe đồng minh chống phátxít, ở đây cụ thể là phátxít Nhật. Do đó, Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa dân chủ sâu sắc vì nó nằm trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại để diệt trừ hiểm hoạ phátxít.
Đó là những ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc cách mạng tháng Tám.
- Theo giao sư đâu là nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Nguyên nhân thắng lợi sâu xa của cuộc Cách mạng tháng Tám nằm ở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống nằm ở trong ý thức của tất cả người dân Việt Nam. Ý thức đã thấm sâu hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là mỗi người dân đều là chủ nhân của đất nước.
Ý thức đó được vun bồi qua hàng thế kỷ đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ lúc Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa và thể hiện rất rõ ở trong những áng văn thơ còn lưu truyền lại trong lịch sử Việt Nam như bài thơ “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư,” hay như trong đại việt sử ký toàn thư ghi lại tiếng hô trăm miệng như một “đánh” của các bô lão khi vua Trần hỏi giặc Nguyên Mông đến thì đánh hay hoà. Ý chí vùng lên cũng được ghi trong Bình Ngô Đại Cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” để khẳng định “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác.”
Ý chí, dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước đã được Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng khơi dậy và phát huy cao độ. Trong hội nghị trung ương Đảng lần thứ 8, việc khẳng định thay đổi chiến lược cách mạng của Hồ Chí Minh và trung ương Đảng với quyết tâm “quyền lợi của giai cấp, của bộ phận phải đặt dưới quyền sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc” tức là Tổ quốc, dân tộc trên hết.
Với ý nghĩa như vậy Đảng đã quyết định thành lập mặt trận Việt Minh và trong tuyên ngôn được công bố ngày 25/10/1941 Việt Minh tuyên bố dang tay đón chào tất cả các cá nhân và tổ chức ai là người Việt Nam yêu nước thì đều được tham gia mặt trận Việt Minh. Đường lối của Đảng được hiện thực hoá trong cuộc vận động kiên trì, gian khổ của cách mạng Việt Nam chính nhờ vào hào khí và tinh thần yêu nước của dân tộc. Do đó, nguyên nhân thành công thứ hai chính là năm ở đường lối sáng tạo đúng đắn của Đảng.
Nguyên nhân thắng lợi thứ ba là nhờ khối đại đoàn kết dân tộc. Tinh thần yêu nước và đường lối đúng đắn của Đảng đã hình thành khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được mở rộng, củng cố. Mở đầu chỉ là các cứu quốc hội: Thanh niên cứu quốc hội, nông dân cứu cuộc hội, phụ nữ cứu quốc hội... ở các vùng căn cứ Cao-Bắc-Lạng nhưng dần dần các hình thức phát triển của mặt trận Việt Minh đã lan toả xuống các vùng miền khác nhau của Tổ quốc.
Sau chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” hồi tháng 3/1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương và mặt trận Việt Minh đã giương ngọn cờ phá kho thóc Nhật cứu đói cho nhân dân ở miền Bắc và miền Trung. Khẩu hiệu đó đã đủ sức lay động, quy tụ hàng triệu người dân Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng.
Ở Nam kỳ không có nạn đói nên điều kiện xây dựng cách mạng khác với miền Bắc. Xứ uỷ Nam kỳ đã rất sáng tạo khi dùng tổ chức thanh niên tiền phong, với ngọn cờ yêu nước, phát huy cao độ tính tích cực xã hội của quần chúng, nhất là thanh niên và học sinh, công nhân để tập hợp được lực lượng vô vùng mạnh mẽ khoảng 200.000 người trước khi thời cơ cách mạng đến vào giữa tháng Tám năm 1945.
Từ miền núi đến miền xuôi, từ miền Bắc đến miền Nam, ở đâu thì cũng có những hình thức tổ chức sáng tạo của Đảng và mặt trận Việt Minh để tập hợp, rèn luyện nhân dân. Đảng nhanh chóng quy tụ được khối đại đoàn kết dân tộc và cách mạng tháng Tám nổ ra dưới hình thức là các cuộc biểu tình chính trị khổng lồ của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, sáng tạo thông minh. Đó chính là nguyên nhân thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám.
Mặt khác, Cách mạng tháng Tám thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu của nhân dân ta chính là nhờ sự sự dũng cảm, tài ngoại giáo khôn khéo của các cán bộ của Đảng, mặt trận Việt Minh và khối đại đoàn kết dân tộc. Khi chúng ta vùng lên giành chính quyền, chúng ta không quên trên đất nước Việt Nam vẫn còn đội quân Nhật Bản rất mạnh với 100.000 quân Nhật Bản ở Đông Dương chưa từng thua trận. Nếu như không biết giải quyết sáng tạo thì đây sẽ trở thành hiểm hoạ rất lớn khi nhân dân Việt Nam vùng lên giành chính quyền.
Lúc đầu chúng ta xác định quyết tâm phải tấn công quân Nhật, phải chặn đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng nhưng các cán bộ Đảng, cơ sở của mặt trận Việt Minh ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế... và các tỉnh khác thấy rằng lúc này có khả năng thương lượng với quân Nhật. Đại diện của Việt Minh ở thành Hoàng Diệu, Hà Nội đã đến gặp những viên tướng lãnh đạo cao nhất của quân Nhật đề nghị Nhật đứng trung lập để Việt Minh chuẩn bị lực lượng chiến đấu chống lại cuộc tái chiến thuộc địa của Pháp.
Trước sức ép của quần chúng to lớn của Việt Minh ở khắp nơi và tài ngoại giao khôn khéo của chúng ta, ở tất cả các nơi chúng ta đã trung lập được đội quân phátxít gần 100.000 người của Nhật Bản. Đây chính là yếu tố quan trọng để khi chúng ta vùng lên giành chính quyền đặt được thắng lợi nhanh, gọn và ít đổ máu.
Sánh ngang với các cuộc cách mạng lớn của thế giới
- Chiến thắng của Cách mạng tháng Tám đã ghi dấu ấn như thế nào trong mắt bạn bè quốc tế, thưa giáo sư?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Ngay tại thời điểm cách mạng chúng ta thắng lợi từ giữa tháng Tám cho đến Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 thì lực lượng cách mạng của chúng ta do Đảng, bác Hồ và mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã có những người bạn quốc tế rất tuyệt vời.
Đó là những người bạn đồng minh, những người Mỹ trong “Biệt đội Con nai” của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ trong chiến tranh (OSS). Họ đã xác lập mối hợp tác với lực lượng cách mạng của chúng ta nhờ có tầm nhìn, tài ngoại giao vô cùng khôn khéo và sáng tạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh.
Với tầm nhìn xa, rộng, từ năm 1942, Chủ tich Hồ Chí Minh đã dành toàn tâm, toàn sức cho cuộc dấu tranh ngoại giao ở tầm thế giới. Năm 1942, bác Hồ đã một mình sang Trung Quốc để tìm cách mở rộng quan hệ ngoại giao của mặt trận Việt Minh trên trường quốc tế. Đây là chuyến đi rất nguy hiểm và gian khổ, Bác đã bị bắt và giam cầm 13 tháng, nhiều lần tính mạng bị đe doạ nghiệm trọng. Sau đó nhờ tài ngoại giao khôn khéo, Bác đã thoát được trở về nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi rất sát diễn biến của chiến tranh thế giới lần thứ 2 trên phạm vi toàn thế giới. Trong một lần Việt Minh giải cứu và bảo vệ một viên phi công Mỹ, đích thân Hồ Chí Minh dẫn viên phi công Mỹ trao trả cho lực lượng không quân Mỹ Flying Tiger. Thực chất đây chỉ là cái cớ để Bác bắt liên lạc với quân đồng minh chống phátxít mà tại châu Á-Thái Bình Dương thì Mỹ đóng vài trò quan trọng nhất.
Nhờ chuyến đi này Hồ Chí Minh đã thiết lập được mối quan hệ cộng tác cùng làm việc trong chiến hào đồng minh chống phátxít. OSS đã cử “Biệt đội Con nai” sang chiến khu Tân Trào cùng với chúng ta xây dựng sân bay Lũng Cò, tiếp tế cho Việt Minh một số vũ khí, phương tiện liên lạc. Điều quan trọng nhất là sự hiện diện của “Biệt đội Con nai” chính là sự công nhận không chính thức có giá trị rất to lớn của phe đồng minh chống phátxít đối với lực lượng cách mạng của chúng ta.
Chính từ những ngày đó, cuộc đấu tranh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta đã có vị thể nhất định trong phe đồng minh chống phátxít. Ngay trong ngày lễ tuyên ngôn độc lập là những ngày tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng non trẻ, quân đồng minh chống phátxít đã cùng chào cờ với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cùng tham dự hoạt động tập thể của nhân dân Việt Nam. Sự hiện diện này đã sớm mang lại những hình ảnh đẹp, có ý nghĩa sâu rộng cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên trường quốc tế.
Sau này, trong quá trình giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, cuộc Cách mạng tháng Tám tiếp tục được bạn bè quốc tế quan tâm nghiên cứu, giới nghiên cứu chân chính đều thừa nhận rằng đây là cuộc cách mạng rất tiêu biểu.
Nhà sử học Nauy S.Tonnesson so sánh tầm vóc cuộc cách mạng tháng Tám của chúng ta tương đương như cuộc Cách mạng tháng 10 Nga, Đại Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911 và ghi nhận đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Những nhà sử học nổi tiếng ở phương Tây cũng thừa nhận những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám. Những công trình nghiên cứu đồ sộ của các học giả nước ngoài chính là câu trả lời đanh thép cho những âm mưu không thiện chí, thù địch trong phe đế quốc thực dân thế kỷ 20 hạ thấp giá trịnh của Cách mạng tháng Tám.
Những bài học còn nguyên tính thời sự
- Xin giáo sư cho biết những bài học, giá trị nào của Cách mạng tháng Tám vẫn còn có ý nghĩa thực tiễn cho đến ngày hôm nay?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Bài học lớn nhất chính là bài học về sự lãnh đạo của Đảng, trong nghị quyết trung ương lần thứ 8 Đảng đã đưa ra một tuyên bố thấm sâu vào tâm thức của dân tộc Việt Nam là “quyền lợi của giai cấp, bộ phận đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc.”
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng ngoài lợi ích của nhân dân, dân tộc thì Đảng ta không có lợi ích nào khác, tức là toàn bộ sự nghiệp của Đảng là nhằm phụng sự quốc gia, dân tộc và chỉ khi nào chúng ta thấm sâu được tư tưởng đó đến từng Đảng viên, từng cán bộ thì lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là tổ chức lãnh đạo được lòng dân và lúc nào cũng được nhân dân tin yêu và ủng hộ.
Chính nhờ sự ủng hộ của nhân dân mà cách mạng Việt Nam đã thành công trong kháng chiến và thời kỳ đầu của đổi mới. Giờ đây, khi chúng ta đang phải đương đầu với hiểm hoạ của đại dịch COVID-19, chúng ta vẫn quán triệt nguyên tắc mà bác Hồ đã đặt ra cho thể chế của chúng ta là “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” tức là nước độc lập dân được hưởng tự do hạnh phúc, đó là nguyên tắc chính trị của chúng ta.
Bài học thứ hai là bài học về khối đại đoàn kết dân tộc. Việt Nam đất không rộng, người không đông, nguồn lực không phải là dồi dào thì sức mạng đại đoàn kết dân tộc là “bảo bối” giúp chúng ta trong suốt hàng nghìn năm vừa qua đứng vững qua các cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên ở những thời khắc tổ quốc lâm nguy, thời khắc quyết định cần có nội lực to lớn của dân tộc để vượt qua khúc quanh của lịch sử thì khối đại đoàn kết dân tộc là hết sức quan trọng. Cách mạng tháng Tám đã chỉ ra cho chúng ta bài học đó.
Ngày nay trong công cuộc đổi mới, thế giới toàn cầu hoá và nhất là khi đối diện với những nguy cơ to lớn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia, dân tộc như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, sự xâm lăng văn hoá và kinh tế toàn cầu thì chúng ta càng phải đoàn kết. Bác Hồ đã nói “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” và vừa rồi trong lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa.”
Thứ ba là bài học về sự sáng tạo. Cách mạng tháng Tám là sự sáng tạo tuyệt vời của Đảng và dân tộc chúng ta. Sáng tạo ở đây là không lệ thuộc vào bất kỳ công thức nào cả mà phải trên nền tảng những sự tích luỹ về tri thức, năm bắt được tình hình thực tiễn để tự tìm ra cho mình hướng đi đúng đắn và giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan.
Bài học cuối cùng là bài học về thời cơ. Cách mạng tháng Tám chỉ diễn ra trong hai tuần lễ từ khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân đồng minh ngày 15/8/1945 đến cuối tháng 8 trước khi các thế lực ngoại bang mang danh nghĩa quân đồng minh tiến vào nước ta để giải giáp quân Nhật, nếu chúng ta không giành được chính quyền để tiếp đón quân đồng minh với tư cách là người chủ thì chúng ta lại một lần nữa mất nước và sau nay để giành được độc lập sẽ phải hy sung rất nhiều xương máu của đồng bào, chiến sỹ. Ở thời điểm đó, bác Hồ đã dặn dò các đồng chí lãnh đạo cách mạng “bây giờ là lúc thời cơ đã đến, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.”
Đó là những bài học mà chúng ta đã có được từ cuộc Cách mạng tháng Tám và cần được phát huy trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại đại dịch COVID-19 để chúng ta sớm giành được thắng lợi.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()