Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:04 (GMT +7)
Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ninh
Thứ 2, 24/07/2023 | 15:24:18 [GMT +7] A A
Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (1928-1945), đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Ở Quảng Ninh, lệnh Tổng khởi nghĩa cũng nhanh chóng được truyền đến một số nơi trong tỉnh, tin cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 đã giành được thắng lợi rực rỡ ở Thủ đô Hà Nội, càng làm nức lòng nhân dân các dân tộc trong tỉnh và thổi bùng lên trong lòng mọi người ngọn lửa cách mang sôi sục, ý chí vùng lên đạp đổ ách thống trị phát xít Nhật và tay sai giành lấy chính quyền về tay mình.
Ngay sau lệnh Tổng khởi nghĩa, nhân dân khắp nơi trong tỉnh sẵn sàng chờ lệnh của cán bộ Việt Minh để nổi dậy phá bỏ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng. Anh chị em công nhân mỏ chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ, may cờ đỏ sao vàng... không khí tưng bừng như ngày hội. Ở một số nơi như Bình Liêu, Đình Lập..., nhân dân đã tự động nổi dậy xóa bỏ chính quyền bù nhìn và tự quản lý lấy bản làng, khu phố của mình.
Trước làn sóng cách mạng dâng lên như nước vỡ bờ, chính quyền bù nhìn ở nhiều nơi trong tỉnh hầu như hoàn toàn tan rã. Tên tỉnh trưởng Quảng Yên chờ Việt Minh đến lập chính quyền cách mạng. Tên đại lý hành chính ở khu mỏ Hòn Gai sợ hãi, xin sẵn sàng đầu hàng và nộp dấu ấn, hồ sơ, tài liệu, vũ khí cho Việt Minh.
Song cũng trong lúc này, Sư đoàn 62 của quân Tưởng đang lục tục kéo đến gần biên giới Việt Trung để tiến vào tỉnh ta giải giáp quân Nhật. Bọn tàn quân Pháp ở vùng đảo Cẩm Phả cũng đang lăm le xâm nhập vùng đất liền.
Trước tình hình đó, nếu nhân dân tỉnh ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, không chớp lấy thời cơ nổi dậy khởi nghĩa thì sẽ không thể “giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở địa vị làm chủ nước mình mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật...”
Nhiều nơi trong tỉnh chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng căn cứ vào bản chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, nhất là khi được tin Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, đã chủ động, kịp thời tiến hành khởi nghĩa giành lấy chính quyền tay cách mạng.
Ngày 24/8/1945, ta lập chính quyền cách mạng ở tỉnh lỵ Quảng Yên. UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên đã ra mắt nhân dân và công bố các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Chính quyền cách mạng đã xử tử tên tri huyện Yên Hưng và một số tên phản động khác.
Ta lập được chính quyền cách mạng ở tỉnh lỵ thì chính quyền bù nhìn ở các huyện trong tỉnh Quảng Yên cũng bị tan rã, chính quyền cách mạng ở các huyện, các xã ở các huyện Yên Hưng, Cát Hải, Cát Bà lần lượt được thành lập vào cuối tháng 8 năm 1945. Riêng ở huyện Hoành Bồ, vì bị bọn phỉ chiếm đóng, nên mãi đến tháng 11 năm 1945 ta mới lập được chính quyền cách mạng.
Ngày 26/8/1945, ta giành chính quyền ở Hòn Gai trong một tình hình rất gay go, phức tạp. Vì ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, bọn Việt Cách đã kéo về chiếm đóng một số nơi ở Hòn Gai. Chúng giả danh cách mạng, nói xấu Việt Minh, gây hoang mang trong quần chúng và tranh giành ảnh hưởng với ta, chờ cơ hội cướp lấy chính quyền khi quân Tưởng kéo đến.
Để hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, đêm 25/8/1945, một đơn vị quân Chiến khu Trần Hưng Đạo đã hành quân cấp tốc về Hòn Gai. Cán bộ, đảng viên ở Hòn Gai và lực lượng vũ trang đã bàn bạc kỹ về kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 26/8/1945, ta đã tổ chức cuộc biểu dương lực lượng quần chúng có lực lượng vũ trang bảo vệ để giành chính quyền. Đông đảo công nhân mỏ và nhân dân lao động Hòn Gai đã tham gia. Bọn Việt Cách ỷ vào lực lượng quân sự đông hơn ta, lăm le nổ súng phá cuộc mít tinh, tạo cơ hội cướp chính quyền. Song, công nhân mỏ và nhân dân lao động Hòn Gai, với đội ngũ chỉnh tề, phất cao cờ đỏ sao vàng và hô vang “Ủng hộ Việt Minh”, bọn Việt Cách hoàn toàn bị cô lập. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn Việt Cách buộc phải rút về nơi đóng quân của chúng. Sau cuộc biểu dương lực lượng, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hòn Gai được thành lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòn Gai đã giành được thắng lợi. Đây là thắng lợi của một chủ trương đúng đắn và có tính sáng tạo, biết phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng, mà công nhân mỏ là đội quân hùng hậu, tạo nên sức mạnh to lớn làm cho kẻ thù phải chịu thất bại, mặc dù chúng có lực lượng quân sự đồng hơn ta.
Ngày 27/9/1945, ta thành lập chính quyền cách mạng ở Cẩm Phả. Cẩm Phả chỉ cách Hòn Gai có gần 30 km, nhưng việc giành chính quyền lại ở trong hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Tại đây, bọn Việt Cách từ Ba Chẽ đã kéo về cướp đồn khố xanh và đóng quân ở một vài nơi trong thị xã, từ sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh. Chính quyền bù nhìn hầu như tan rã. Nhân dân tự động đứng ra canh gác, giữ gìn trật tự an ninh khu phố. Được tin Hòn Gai khởi nghĩa thắng lợi, nhân dân đã cử người về đón lực lượng vũ trang cách mạng ra giải phóng Cẩm Phả.
Ngày 27/9/1945, một đơn vị quân giải phóng và một số cán bộ Việt Minh đã từ Hòn Gai tiến về Cẩm Phả. Công nhân mỏ và nhân dân lao động Cẩm Phả kéo đến rất đông chào đón cán bộ, bộ đội ta. Hoảng sợ trước khí thế cách mạng của quần chúng và sợ bị quân cách mạng tiến công, ngay từ đêm hôm trước, bọn Việt Cách đã vội rút quân về Ba Chẽ. Ta tổ chức mít tinh, tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Cẩm Phả. Sau đó chính quyền cách mạng ở Cửa Ông và hầu hết các đảo (thuộc huyện Vân Đồn ngày nay), cũng nhanh chóng được thành lập (trừ đảo Vạn Hoa và Cô Tô).
Như vậy, đến cuối tháng 9/1945, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Tây của tỉnh ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn ở khu vực Quảng Yên và khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả.
Phương Loan (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()