Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:08 (GMT +7)
Cách mạng Tháng Tám qua những hiện vật ở Bảo tàng tỉnh
Chủ nhật, 15/08/2021 | 13:28:39 [GMT +7] A A
76 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám còn được lưu giữ, kể lại thông qua nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Không gian trưng bày về Cách mạng Tháng Tám 1945 nằm ở tầng 2 Bảo tàng Quảng Ninh, trong tổng thể của cả giai đoạn cách mạng từ 1926-1929, 1930-1931 tới sau khi Cách mạng thắng lợi, ta giành chính quyền ở các địa phương.
Không gian trưng bày Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Bảo tàng Quảng Ninh có khoảng 50 hiện vật gốc bằng hình ảnh và hiện vật (vũ khí, quần áo, cờ...). Tuy số hiện vật không nhiều nhưng đây đều là các hiện vật có giá trị, được trưng bày theo chủ điểm, theo sự kiện rõ ràng và được hỗ trợ bằng các kỹ thuật trưng bày bảo tàng thời hiện đại. Tất cả đã tái hiện một câu chuyện hấp dẫn du khách về Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ninh hết sức sinh động.
Về hình ảnh, hiện Bảo tàng Quảng Ninh có các bức ảnh về một số địa danh như đình Hổ Lao (xã Tân Việt) - nơi lực lượng cách mạng tuyên bố thành lập Chiến khu Đông Triều ngày 8/6/1945; cơ sở sản xuất vũ khí cung cấp cho chiến khu Đông Triều, ảnh máy tiện để chế tạo vũ khí.
Về nhân vật, có ảnh chân dung các đồng chí: Hải Thanh, Trần Cung, Nguyễn Bình và sư Tuệ- những người lãnh đạo đầu tiên của Chiến khu Đông Triều; ảnh Trung đội Ký Con, Tiểu đội Phan Đình Phùng - những đơn vị đầu tiên ở Chiến khu. Ngoài ra, còn có bức tranh “Công nhân Vùng mỏ giành chính quyền” của họa sĩ Bùi Quang Ngọc mô tả cảnh khởi nghĩa giành chính quyền theo lời kể của nhân chứng; tranh sơn dầu "Giành chính quyền ở Hòn Gai" của họa sĩ Nguyễn Hoàng.
Cùng với đó, những hiện vật ở Bảo tàng cũng nói lên khá nhiều điều về Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ninh. Hiện vật gồm có: Chiếc nồi tôn của một người phụ nữ tên là Cầu đã dùng để nấu cơm cho bộ đội Chiến khu Trần Hưng Đạo; 1 con dao do chiến sĩ nghĩa quân tên là Trần Văn Khâm sử dụng để giết giặc, 2 thanh kiếm và 1 khẩu súng trường mà bộ đội ở Chiến khu đã dùng để đánh giặc; 1 chiếc cối tán thuốc súng, 3 vỏ lựu đạn, 1 chiếc khuôn mìn mà Xí nghiệp cơ khí Mạo Khê đã dùng để sản xuất mìn cho Chiến khu...
Có những hiện vật lãnh đạo Chiến khu vẫn thường dùng như: Chiếc áo nhà sư của tướng Nguyễn Bình, lá cờ búa liềm mà tướng Nguyễn Bình vẫn mang theo, nghiên mực nhà sư Võ Giác Nguyên, cán bộ lãnh đạo Chiến khu vẫn thường dùng...
Nhìn chung, mảng tư liệu hiện vật về cách mạng tháng Tám ở Quảng Ninh hiện lưu giữ Bảo tàng tỉnh không nhiều. Lý do nằm ở chỗ mãi đến năm 1964, Bảo tàng Quảng Ninh mới được thành lập, thời điểm này khá xa so với mốc thời gian năm 1945 nên nhiều tư liệu hình ảnh hiện vật đã bị thất lạc khó sưu tầm.
Tuy nhiên, ngần đó hiện vật cũng đã gợi ra những nét phác họa sinh động về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở Quảng Ninh. Không gian trưng bày Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Bảo tàng Quảng Ninh được thiết kế theo phong cách trưng bày của bảo tàng hiện đại, được thể hiện sinh động qua câu chuyện về những nhân vật lịch sử tham gia thành lập Chiến khu Đông Triều.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()