Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tập kích gây thương vong đầu tiên cho binh sĩ tại Jordan, nhưng phải tính toán kỹ mức độ phản ứng để tránh thổi bùng xung đột.
Đêm 28/1, Tháp 22, một tiền đồn nhỏ của Mỹ tại Jordan, nằm gần biên giới Syria, bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) khiến ba binh sĩ thiệt mạng và 34 người bị thương.
Đây là lần đầu tiên lực lượng Mỹ ở Trung Đông ghi nhận thương vong trong một cuộc tấn công, kể từ khi chiến sự Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023.
Nhà Trắng hỗ trợ Israel chống Hamas nhưng vẫn cố gắng kiềm chế căng thẳng leo thang vì lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông, ngay cả khi nhiều nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ đang liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực.
Theo giới quan sát, giờ đây, Washington phải đối mặt với bài toàn làm thế nào để phản ứng mạnh mẽ hơn sau vụ tập kích chết người mà không khiến căng thẳng leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ "đáp trả" ngay sau cuộc tấn công căn cứ ởJordan. Ông cho hay nhà chức trách đang thu thập thông tin về vụ tập kích, nhưng Washington "biết rằng nó do các nhóm do được Iran hậu thuẫn ở Syria và Iraq thực hiện".
"Chắc chắn chúng tôi sẽ buộc tất cả những bên đứng sau phải chịu trách nhiệm vào thời điểm và theo cách thức do chúng tôi lựa chọn", ông nói.
Iran phủ nhận đứng sau cuộc tấn công. Tuy nhiên, lực lượng Kháng chiến Hồi giáo (IRI) ở Iraq, tổ chức tập hợp các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, theo một thủ lĩnh giấu tên của tổ chức này.
"Nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ Israel, tình hình sẽ leo thang", thủ lĩnh cấp cao IRI nhấn mạnh. "Tất cả lợi ích của Mỹ trong khu vực đều là mục tiêu và chúng tôi không quan tâm đến những lời đe dọa đáp trả từ họ".
IRI trước đó cũng nói rằng nhóm đã tập kích UAV nhằm vào binh sĩ Mỹ tại ba địa điểm ở Syria, trong đó có hai căn cứ gần khu vực biên giới giữa Iraq, Syria và Jordan.
Kể từ tháng 10/2023, binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq và Syria đã hứng chịu ít nhất 160 vụ tấn công ở nhiều mức độ, khiến một số quân nhân bị chấn động não. Lầu Năm Góc đáp trả bằng cách thực hiện hàng loạt cuộc tập kích nhắm mục tiêu vào các nhóm dân quân doIranhậu thuẫn.
Nhưng trước nỗi thất vọng của nhiều nghị sĩ ở Washington, hành động này, cùng với chiến dịch tấn công song song vào Houthi, nhóm vũ trang có liên kết với Iran tại Yemen, đã không thể chấm dứt tình trạng bạo lực tại Trung Đông mà chỉ khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn với lính Mỹ.
Do đó, cuộc tấn công mới sẽ gia tăng áp lực lên Tổng thống Biden về việc phải phản ứng mạnh hơn nữa. Charles Lister, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông, trụ sở tại Washington, nhận định đây là "yếu tố thay đuổi cuộc chơi" trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Việc lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công đồng nghĩa Tổng thống Biden sẽ phải "phản ứng quyết liệt hơn tất cả những gì ông đã làm từ trước đến nay", Lister nói. "Nó buộc ông phải ra tay".
Tướng Kenneth "Frank" McKenzie, người từng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Trung Đông từ năm 2019 đến năm 2022, nhận xét những cuộc tấn công "khá hạn chế" gần đây của Washington không có tác dụng răn đe các nhóm do Iran hậu thuẫn.
"Nếu đối phương tự do tiếp tục các cuộc tấn công với phạm vi, quy mô như vậy, cuối cùng họ có thể thu được kết quả gì đó", ông nói.
"Đây là cuộc tấn công gây thương vong lớn nhằm vào mục tiêu mềm trên lãnh thổ của một quốc gia đồng minh. Nó đã vượt qua tất cả các lằn ranh đỏ", Joel Rayburn, cựu đặc phái viên về Syria dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump, nói về vụ tập kích tiền đồn Tháp 22. "Điều chính quyền Biden cần cân nhắc là làm thế nào để buộc Iran phải trả giá trực tiếp. Các cuộc tấn công sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi họ thực hiện được điều này".
Theo Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ hiện công tác tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, Mỹ có thể tiến hành đáp trả cuộc tập kích Tháp 22 mà không cần nhắm vào lãnh thổ Iran, như tấn công lực lượng Iran hiện diện ở Syria hoặc Iraq, hay khí tài hải quân của Iran trên Vịnh Ba Tư.
"Điều chính quyền cần làm bây giờ là phát đi tín hiệu rõ ràng rằng việc tiếp tục các cuộc tấn công sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều từ Mỹ", Miller cho hay. "Chúng ta có thể làm điều đó mà không cần vượt qua ranh giới đỏ của Tehran, tức là tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran".
Theo Matthew Kroenig, phó chủ tịch kiêm giám đốc cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ cũng có thể nhắm vào các lãnh đạo quân sự Iran, như chiến dịch ám sát tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani được ông Trump phê chuẩn năm 2020.
Kroenig cho rằng đây là cơ hội để Mỹ làm suy yếu chương trình tên lửa và hạt nhân Iran. "Những hành động như vậy khiến Iran hiểu rằng họ đã tính toán sai lầm và tấn công Mỹ là quyết định không nên lặp lại", chuyên gia này nói.
Ông cho rằng nếu Mỹ chỉ đáp trả bằng cách tập kích các nhóm dân quân thân Iran, Tehra có thể coi đây là biểu hiện của sự yếu đuối và điều đó "chỉ châm ngòi cho những chu kỳ bạo lực tiếp nối".
Nathan Sales, chuyên gia tại tổ chức Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định suốt nhiều tháng qua, Mỹ đã để yên cho các lực lượng thân Iran tấn công các quân nhân của mình, dường như xuất phát từ nỗi lo sợ rằng một phản ứng quyết liệt hơn sẽ kích động Tehran có hành động vượt tầm kiểm soát.
"Thất bại trong nỗ lực thiết lập khả năng răn đe đã dẫn đến một kết cục bi thảm", ông bình luận. "Chính quyền Biden cần buộc Iran phải chịu trách nhiệm... Cách để tránh bị sa lầy vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông không phải là tỏ ra thận trọng và kiềm chế, mà là thể hiện ý chí bảo vệ người dân cũng như lợi ích của chúng ta".
Một số đảng viên Cộng hòa thậm chí cho rằng Mỹ không nên ngần ngại tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Iran.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton, thành viên Ủy ban Tình báo và Quân vụ Thượng viện, cho biết Mỹ phải đáp trả các cuộc tấn công bằng hành động quân sự "khốc liệt" chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Tehran "cả ở Iran và trên khắp Trung Đông".
Nhưng nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cảnh báo không nên mạo hiểm gây ra một cuộc xung đột lớn với Iran.
"Nhiều đối thủ khắp thế giới muốn thấyMỹsa lầy vào một cuộc chiến ở Trung Đông", ông nói. "Chúng ta phải có phản ứng mang tính chiến lược, hiệu quả theo điều kiện và kế hoạch của mình".
Trung tá quân đội Mỹ về hưu Daniel Davis cũng cảnh báo Mỹ cần cân nhắc kỹ lưỡng về bất kỳ hành động trả đũa nào sau vụ tấn công.
"Mọi người đều muốn tung đòn đáp trả vào Iran, nhưng chúng ta phải suy nghĩ rõ ràng và bình tĩnh để không khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn", ông nói. "Xung đột hiện nay nếu lan rộng sẽ không có lợi cho Mỹ. Nó có thể khiến hàng trăm hoặc hàng nghìn người thiệt mạng trong một cuộc đối đầu không ai cần đến".
Ý kiến ()