Hơn 45 ngày qua, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên vẫn ổn định sản xuất khi tổ chức gần 180 công nhân làm việc tại nhà máy. Do có phương án phòng chống Covid-19 từ trước nên khi dịch bùng phát ở thị xã Tân Uyên, nhà máy đã chủ động cho người lao động ăn ở, sản xuất tại chỗ dù địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể.
"Lúc đó chúng tôi tự lên kế hoạch rồi điều chỉnh dần với tinh thần cách ly hoàn toàn bên ngoài", bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc hành chính nhân sự công ty nói và cho biết nhà máy áp dụng quy trình làm việc mới so với trước để ngăn ngừa dịch xâm nhập.
Bà Linh nêu ví dụ ở khâu giao nhận nguyên vật liệu, nhà máy chấp nhận rủi ro khi bỏ qua bước kiểm tra mẫu. Tài xế không cần xuống xe xuất trình hóa đơn, giấy xét nghiệm âm tính với nCov mà sẽ chụp hình gửi online cho bảo vệ. Sau đó bộ phận kho in ra, ký và chuyển tới quầy chứng từ dã chiến đặt ngoài nhà máy. Nguyên liệu được khử khuẩn, sau 48 giờ mới đưa vào phân xưởng. Toàn bộ quá trình được hệ thống camera giám sát.
Doanh nghiệp đặc biệt chú ý ngăn dịch vào nhà máy theo đường công nhân. Ngoài xét nghiệm đầu vào, tầm soát định kỳ, công ty trang bị tất cả vật dụng cá nhân từ áo quần, khăn mặt, dầu gội đầu, kem đánh răng cho toàn bộ lao động... Do thời gian thực hiện phương án ăn nghỉ, sản xuất kéo dài, nhà máy cố gắng tạo sự thoải mái nhất cho lao động bằng việc cung cấp cà phê, nước ngọt... cho người có nhu cầu vào một số giờ nhất định.
"Nếu không làm vậy công nhân sẽ tìm cách mua từ người bán hàng rong qua hàng rào, nguồn bệnh có thể từ đó theo vào", bà Linh nói và cho hay doanh nghiệp hỗ trợ mỗi công nhân ở lại 5,5 triệu đồng. Cách hàng rào hơn một mét, nhà máy căng dây, trên đó gắn các biển cảnh báo "bước qua cọng dây mất ngay 5,5 triệu" nhắc nhở công nhân tuân thủ, ngăn họ tiếp xúc bên ngoài. Camera giám sát, bảo vệ nội bộ, tổ an toàn Covid-19 thường xuyên kiểm tra khu vực này.
Nhà máy cũng chia lao động theo từng nhóm nguy cơ, trong đó bộ phận kho, bảo vệ được xếp vào nhóm nguy cơ cao do phải liên hệ bên ngoài nên ăn ở riêng, tránh tiếp xúc công nhân sản xuất. Một số người bắt buộc phải ra ngoài do việc gia đình, gặp vấn đề sức khỏe cần đến bệnh viện muốn trở vào phải xét nghiệm PCR khẳng định, kết quả âm tính, tiếp tục giám sát 7 ngày tại khu cách ly tập trung của nhà máy.
"Chi phí duy trì '3 tại chỗ' tăng lên 3 lần so với bình thường nhưng công ty chấp nhận giảm lợi nhuận để đảm bảo an toàn", bà Linh nói. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt nên nhà máy vẫn an toàn trước dịch dù sau đó một số tài xế của nhà cung cấp phát hiện dương tính từng đến doanh nghiệp giao nhận hàng.
Là một trong doanh nghiệp đầu tiên thực hiện "3 tại chỗ", 5 xưởng sản xuất đặt ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM với hơn 1.200 công nhân của Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam vẫn an toàn trước dịch sau hơn một tháng vận hành. Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc công ty cho hay đạt được điều này nhờ doanh nghiệp chủ động tổ chức tầm soát Covid-19, tuân thủ nghiêm phương án đã đề ra.
Theo ông Phú, tuần cuối của tháng 6, các nhà máy đã dựng lều trạị cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ khi dịch tại các địa phương chưa phức tạp, mầm bệnh chưa xâm nhập sâu vào lực lượng công nhân. Việc phối hợp các đơn vị y tế xét nghiệm đầu vào cho lao động vì thế thuận lợi. Khi dịch bùng phát mạnh, công ty chủ động xét nghiệm sàng lọc cho công nhân bằng cách đưa nhân viên y tế nhà máy đi tập huấn lấy mẫu, tự mua các bộ kit test nhanh.
Các xưởng sản xuất chia lao động theo từng nhóm nguy cơ lây nhiễm cao – thấp để có phương án cách ly, xét nghiệm phù hợp. Tài xế, nhà bếp thường xuyên ra ngoài giao nhận nguyên vật liệu, hàng hóa, mua thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao được bố trí ở khu riêng, mỗi tuần test nhanh 2 lần. Công nhân cùng chuyền ăn ở, sinh hoạt trong một khu, xét nghiệm sàng lọc theo nhóm đại diện.
Ngoài ra, tổ an toàn Covid luôn nhắc nhở, kiểm tra việc tuân thủ 5K ở nhà máy. Đồ đạc từ bên ngoài gửi vào phải qua máng trượt, được bảo vệ phun khử khuẩn trước khi giao cho người nhận. Để tạo được sự đồng thuận ngay từ đầu, ngoài lương mỗi lao động còn được công ty hỗ trợ 150.000 đồng/ngày.
Ông Phú cho biết khi thực hiện "3 tại chỗ" chi phí tăng lên nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Công ty duy trì hoạt động gần 80% công suất, đảm bảo thu nhập cho lao động, giữ khách hàng, nhất là xuất khẩu đúng theo hợp đồng. "Nếu ngừng sản xuất, mỗi tháng công ty lỗ 30 tỷ đồng gồm lãi ngân hàng 10 tỷ đồng, khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị, chi phí trả ngừng việc cho lao động, chưa kể tiền phạt trễ hợp đồng khi xuất khẩu", ông Phú nói và cho biết nếu dừng lâu công ty sẽ không đủ lao động khi sản xuất trở lại.
Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam, Nhà máy Earth Corporation Việt Nam là hai trong số hơn 3.000 doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn hoạt động trong bối cảnh dịch ở địa phương bùng phát mạnh. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, toàn tỉnh có hơn 3.700 doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 điểm điểm" (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở) với gần 390.000 lao động.
Sau thời gian thực hiện, hơn 450 doanh nghiệp xin tạm ngưng, chiếm 12% tổng số đăng ký ban đầu. Các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất do phát hiện F0 trong nhà máy, thiếu nguồn nguyên liệu, đơn hàng không ổn định, lao động không chịu ở lại làm việc. Một số nhà máy mới đăng ký phương án nhưng chưa thực hiện do bị phong tỏa.
"Gần 90% các doanh nghiệp đăng ký '3 tại chỗ' đang hoạt động", ông Dũng nói và cho biết các nhà máy sản xuất an toàn do có phương án phòng, chống dịch tốt, tuân thủ nghiêm ngặt quy định ngành y tế lẫn cơ quan quản lý. Doanh nghiệp chuẩn bị kỹ các điều kiện phòng dịch ngay từ đầu, đặc biệt xét nghiệm sàng lọc đầu vào cho công nhân; chăm lo tốt đời sống lao động nên nhận đồng thuận cao.
Về các giải pháp sắp tới, Phó chủ tịch UBND Bình Dương cho biết tỉnh đang tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các khu công nghiệp nhằm nhanh chóng đưa các ca nhiễm, nghi nhiễm ra khỏi nhà máy, giúp bảo vệ và duy trì sản xuất. Cùng với đó địa phương thực hiện chiến lược tiêm vaccine cho công nhân ở doanh nghiệp để tạo ra các "vùng xanh" - nơi sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp.
Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm viêc tại 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp. Ở đợt dịch thứ 4, tỉnh phát hiện hơn 18.300 ca nhiễm. Địa phương đang là vùng dịch xếp thứ hai ở phía Nam, chỉ sau TP HCM.
Ý kiến ()