Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:30 (GMT +7)
Cải cách tiền lương từ 1-7: Nhiều thay đổi về lương hưu
Thứ 2, 06/05/2024 | 17:09:06 [GMT +7] A A
Từ ngày 1-7, tiền lương mới sau khi cải cách sẽ được thiết kế gồm lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.
Từ ngày 1-7, quy định về cải cách tiền lương sẽ được thực hiện. Theo đó, Nhà nước sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện hành, đồng thời sẽ xây dựng bảng lương mới với mức lương cơ bản có số tiền cụ thể, áp dụng cho từng vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Từ 1-7, cách tính tiền lương sẽ thay đổi
Theo Nghị quyết 104/2023, về việc thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (Nghị quyết 27). Đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Về nội dung cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) thì tiền lương mới sẽ được thiết kế theo cơ cấu gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Bổ sung tiền thưởng với quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Như vậy, khi tiến hành cải cách tiền lương thì tiền lương mới bỏ cách tính lương dựa theo mức lương cơ sở nhân với hệ số lương như hiện nay.
Tại điểm b khoản 3.1 Nghị quyết 27 thì cải cách tiền lương sẽ tạo ra các bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.
Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Xây dựng ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm một bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, Nghị quyết 27 nêu: Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động). Trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
Cải cách tiền lương, lương hưu có thay đổi?
Theo quy định tại Điều 56 Luật BHXH 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015 có quy định về cách tính lương hưu.
Theo đó, lương hưu hằng tháng = tỉ lệ hưởng hằng tháng x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo tinh thần Nghị quyết 27 thì khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Theo đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH có thể sẽ tăng khi cải cách tiền lương thì tiền lương hưu hằng tháng cũng sẽ tăng theo.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 56 Luật BHXH quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/tháng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1-7, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.
Theo plo.vn
Liên kết website
Ý kiến ()