Tất cả chuyên mục

Là môn võ từng mang lại nhiều vinh quang cho Quảng Ninh nhưng những năm gần đây, sự suy giảm của phong trào đã ảnh hưởng lớn đến Pencak Silat, đặc biệt trong khâu phát hiện và đào tạo tài năng.
Pencak Silat chính thức du nhập vào Quảng Ninh năm 1996, thay thế môn Nhất Nam. Trong giai đoạn 2000-2005, Silat Quảng Ninh từng vươn tầm quốc tế với 5 HCV thế giới, sở hữu "thế hệ vàng" như: Lê Thị Hằng, Lê Thị Thu, Lâm Thị Hương... Đội tuyển luôn nằm trong nhóm mạnh nhất cả nước, ngang hàng với Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, sau giai đoạn hoàng kim, Pencak Silat bắt đầu suy giảm. Theo ông Dương Bá Cường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, nguyên nhân chính là phong trào yếu, việc tuyển chọn, đào tạo VĐV kế cận gặp nhiều khó khăn. Dù có gần 30 năm phát triển, Pencak Silat phải cạnh tranh với nhiều môn võ hiện đại như Taekwondo, Vovinam... có động tác đẹp, trang phục bắt mắt, nhiều giải đấu hấp dẫn, được phổ biến rộng rãi trong trường học, thu hút đông đảo người tập. Trong khi đó, phong trào Pencak Silat lại dần suy yếu, kéo theo sự giảm sút về số lượng học viên.
Bên cạnh đó, nhiều VĐV thành công sau khi giải nghệ không theo nghề huấn luyện tại địa phương mà chuyển sang các tỉnh khác hoặc phát triển các môn võ khác. HLV Lâm Thị Hương (Trường TDTT tỉnh) chia sẻ: "Phong trào suy giảm khiến việc tuyển quân, tìm kiếm những "viên ngọc thô" để đào tạo chuyên sâu gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tìm được học sinh có tố chất để phát triển lên thể thao đỉnh cao lại càng gian nan".
Hiện nay, tuyển chọn học sinh cho hệ Năng khiếu Silat gặp nhiều trở ngại. Nguồn học sinh có năng khiếu bị thu hẹp do phong trào yếu. Vì thế, các HLV phải tự chủ động tìm kiếm tài năng từ các trường học, giải phong trào, nhưng việc phát hiện nhân tố mới gặp nhiều hạn chế. Nếu một VĐV trẻ tiềm năng được tuyển vào hệ Năng khiếu tỉnh, họ sẽ rất khó quay lại thi đấu cho địa phương trong các giải phong trào, đặc biệt khi đã thi đấu có thành tích. Điều này khiến nhiều địa phương không mặn mà trong việc giới thiệu nhân tố mới.
Ngoài ra, việc tuyển quân ngoại tỉnh hay thông qua cộng tác viên thể thao chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Trước đây, ngành thể thao từng mở lớp học miễn phí ở các địa phương, khuyến khích cộng tác viên thể thao… để phát triển phong trào và tìm kiếm tài năng, nhưng kênh tuyển chọn này nay đã bị thu hẹp. Một nguồn tuyển chọn khác là các lớp nghiệp dư hè do Trường TDTT tỉnh tổ chức nhưng số lượng không nhiều, ít được phụ huynh quan tâm do địa điểm xa, thời gian đào tạo ngắn.
Là môn võ đối kháng, ngoài kỹ thuật, học sinh Silat cần có cơ hội thi đấu thực tế để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, giải đấu mà học sinh Năng khiếu tham gia hiện chỉ có duy nhất Giải Vô địch trẻ Quốc gia dành cho học sinh Năng khiếu lứa tuổi 12-13. Việc tập huấn, tham gia các giải đấu trong tỉnh để tích lũy kinh nghiệm cũng hạn chế, khiến các VĐV trẻ ít cơ hội cọ xát và phát triển kỹ năng thi đấu.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, Silat Quảng Ninh vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ nhờ sự quan tâm của Trường TDTT tỉnh và nỗ lực của thầy trò. Năm 2023, tại Giải Vô địch trẻ quốc gia, các VĐV Quảng Ninh giành 6 HCV, 9 HCB, 4 HCĐ, xếp thứ nhất toàn đoàn lứa tuổi năng khiếu (12-14 tuổi). Năm 2024, đội giành 2 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn trên tổng số 30 đội tham gia.
Đặc biệt, công tác đào tạo năng khiếu đã cung cấp nhiều VĐV xuất sắc cho tuyến tỉnh. Đơn cử, VĐV Đỗ Quang Hiếu giành HCV Giải Pencak Silat Đông Nam Á 2024, trong khi Nguyễn Xuân Trúc, Bùi Đình Quyết... đóng góp nhiều thành tích. Gần đây nhất, VĐV Nguyễn Quang Thành và Lê Thành Trung - trưởng thành từ Trường TDTT tỉnh, được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đào tạo - đã giành HCV và HCB tại Giải Vô địch trẻ Pencak Silat thế giới (UAE) vào cuối tháng 12/2024.
Hiện tại, hệ Năng khiếu tỉnh có 22 học sinh. Con số này liên tục thay đổi khi có học sinh được tuyển lên tuyến trên (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) hoặc bị loại do không đạt yêu cầu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng việc quan tâm, tạo điều kiện "mở" hơn cho Silat cùng sự nỗ lực của thầy trò, tin rằng môn Silat sẽ vượt qua thách thức, tiếp tục sản sinh nhiều tài năng làm rạng danh thể thao Quảng Ninh.
Ý kiến ()