Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:29 (GMT +7)
Cái Lim - “nàng công chúa đang ngủ say”
Chủ nhật, 26/03/2023 | 07:31:52 [GMT +7] A A
Nằm trên đảo Trà Ngọ lớn thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long (Vân Đồn), đảo Cái Lim giống như “nàng công chúa đang ngủ say” với rất nhiều tiềm năng về cảnh quan nguyên sơ, các giá trị đa dạng sinh học quý giá… Nghe thì nhiều nhưng cho tới gần đây, chúng tôi mới có dịp đến với vùng đảo hoang sơ này.
Hoang sơ, yên bình
Có hẹn rồi mà con tàu nhỏ chùng chình mãi mới dám đưa chúng tôi ra với đảo Cái Lim. Chủ tàu bảo, phải đợi bớt mù sương mới chạy được. Quả thật, mưa bụi tháng 3 giăng mắc, cả vùng biển phía trước mũi tàu mang một màu trắng đục, những hòn đảo mờ xa, chỉ có làn nước phẳng lặng như tấm lụa xanh màu ngọc bích. Tàu chạy chừng hơn 2 giờ thì hết mưa, nắng bừng lên trong thoáng chốc thôi cũng khiến núi non hiện ra rõ nét hơn, màu ngọc xanh trên biển cũng tươi hơn, lụa là hơn.
Từ Trạm kiểm lâm Cái Lim, chúng tôi trang bị kỹ càng rồi bắt đầu tiến vào rừng. Điểm đến đầu tiên là khu rừng lim xanh tự nhiên nơi đây. Nằm ngay cạnh con đường mòn, quần thể lim xanh tươi tốt với hàng trăm cây lim cổ thụ, nhiều cây một vòng tay người lớn ôm không xuể.
Anh Đinh Trọng Đào, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Cái Lim, dẫn đường cho chúng tôi, chỉ vào một gốc lim khá lớn bảo: Cây lim này là cây tái sinh từ gốc cây mẹ mà giờ cũng to lớn thế này rồi, xung quanh còn cả những cây lim con khác nữa. Khu rừng lim này dự kiến sẽ trở thành một điểm khám phá trong tour du lịch tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, do vậy doanh nghiệp có dự kiến đầu tư đường trượt zipline (trượt cáp) giữa những cây to để du khách có thể khám phá rừng lim mà không xâm hại đến quần thể cây rừng tại đây.
Rời rừng lim, chúng tôi ngược trở lại một đoạn ngắn để tiến vào rừng ngập mặn Cái Lim. Con đường mòn thoai thoải nhưng tre trúc ken dày, nhiều đoạn cây ngả cong rạp xuống lối đi. Vượt qua đoạn rừng tre trúc, chúng tôi bắt đầu thấy những khe nước luồn lách trong rừng ngập mặn nơi đây. May mắn cho chúng tôi là đi vào hôm nước cạn, cả khu rừng ngập mặn phơi ra, thoả thích khám phá.
Ai nấy đều không khỏi xuýt xoa, ấn tượng với những cây giá lâu năm, gốc cây nhiều nhánh to, thân cành vươn cao, rễ ngoằn nghèo ăn lan ra một vùng rộng lớn xung quanh. Xen lẫn trong đó là những cây na rừng với thân cành cong queo, cũng to lớn không kém. Một số thân cây là chỗ ký sinh lý tưởng cho những loài lan, nhiều nhất là loại lan lá tròn xoe như vảy ốc, bám dày đặc trên thân, nom rất độc đáo. Có thể dễ dàng tìm thấy vô số ốc hạt dẻ ở đây. Anh Đào cho hay, rừng ngập mặn này có diện tích vào khoảng 200ha, như vậy chúng tôi có khám phá cả ngày cũng không hết.
Băng ngang qua khu rừng ngập mặn, chúng tôi tìm đến hang Dơi ở cuối hành trình. Vừa đi, anh Đào vừa chỉ cho chúng tôi thấy vách núi đá với quần thể các loài phong lan tự nhiên sống thành bụi lớn vắt vẻo trên cao, trong đó nhiều nhất là lan đuôi sóc, khi nở thành chùm hoa tím rất đẹp.
Cũng qua anh, chúng tôi mới biết lá cây xuôi (giống cây mây, họ cọ) phân bố khá nhiều ở đây, được người dân Minh Châu dùng để gói bánh gai (bánh gai lá xuôi còn gọi là bánh rùa), loại bánh truyền thống mà bà con Minh Châu dùng để thắp hương tổ tiên, không thể thiếu vào ngày tết. Hay cây tắc kè đá với thủ thuật “nguỵ trang” tinh vi, cây huyết giác bổ máu, chữa được nhiều vết thương do máu tụ sưng bầm…
Hang Dơi khá rộng nhưng hơi tối, có lẽ vì thế mới thích hợp với dơi chăng(?) Chúng tôi phải dùng đèn pin để quan sát hang. Nơi đây cũng có những nhũ đá lấp lánh khá đẹp. Ở cuối một ngách nhỏ phải cúi người mới chui qua được, chúng tôi còn phát hiện một hốc nước ngọt khá sâu.
Tò mò về những đám vỏ ốc trong hang, anh Đào giải thích đó là do đám khỉ bắt về, chúng rất thông minh, biết dùng đá đập vỡ vỏ ốc để lấy ruột. Và ngay ở cửa hang, anh Đào chỉ cho chúng tôi thấy một cây hoa chuông nhỏ có hoa màu hồng, chỉ bằng chiếc cúc nhỏ và rất nhiều nụ dưới những cánh lá. Chính anh cũng bất ngờ và khoe rằng, ngay cả khi đi rừng cũng hiếm lắm các anh mới nhìn thấy một cây hoa chuông nở hoa như thế…
Giấc mơ du lịch sinh thái
Từ họ, những người gác đảo như anh Đào, chúng tôi đã tìm hiểu được vô số thứ thú vị như thế về rừng ở Cái Lim. Anh Đào cho hay, anh có thâm niên lâu nhất gắn bó tại Trạm Kiểm lâm Cái Lim là 18 năm. Lương và phụ cấp của anh hiện nay chưa tới 9 triệu đồng, để đảm bảo đời sống và lo cho gia đình ở xa là tương đối khó khăn. Đây cũng là thực trạng chung của anh em kiểm lâm nơi đây.
Đời sống của anh em thiếu thốn nhiều thứ. Những cột điện chạy lưng núi và ven chân đảo mà chúng tôi thấy trên đường tới trạm, nằm trong công trình đưa điện lưới ra Cô Tô và các xã đảo, chỉ cách trạm một quãng rất gần, vậy nhưng ở đây vẫn chưa có điện lưới. Các anh dùng điện năng lượng mặt trời để thay thế nhưng mùa hè chỉ đủ quạt chạy phe phẩy gọi là. Sóng điện thoại thì gần như không có, muốn vớt sóng phải chạy ra tận cầu cảng, cũng phải lựa chỗ mới có…
Vì vậy, họ rất mong mỏi phát triển du lịch sinh thái ở Cái Lim nói riêng, khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long nói chung. Hỏi kỹ hơn, anh Đào bảo, phát triển du lịch ở Cái Lim thì cũng là doanh nghiệp đầu tư, đưa khách đến, chứ không phải đơn vị kiểm lâm làm du lịch. Du lịch vào, anh em kiểm lâm chỉ kiêm vai trò hướng dẫn cho du khách mà thôi, từ đó có thêm thu nhập để nâng cao đời sống. Hơn nữa, việc anh em đưa khách đi tham quan, trải nghiệm cũng đồng thời làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, tránh việc du khách có thể vô tình hay cố ý xâm hại tới rừng...
Quả thật, từ chuyến đi thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy việc khám phá trải nghiệm ở một khu bảo tồn như Cái Lim có sức hấp dẫn cao, tuy nhiên đi kèm đó là yêu cầu về thể lực, kinh nghiệm nhất định. Để hướng dẫn du khách, từ việc chuẩn bị trang phục phù hợp cho đến những kỹ năng cần thiết, tránh bị nguy hiểm, tổn thương từ môi trường rừng hoang dã thì những người gác rừng với kinh nghiệm dày dạn nơi đây là vô cùng cần thiết. Kiến thức phong phú, am hiểu “chân tơ kẽ tóc” về rừng của họ cũng giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn hơn, khám phá được nhiều điều thú vị hơn.
Cái Lim không chỉ có rừng lim quý, khu rừng ngập mặn lâu niên rộng lớn, hang Dơi mà xung quanh còn có những điểm đến khác giàu tiềm năng cho làm du lịch. Chỉ sang ngọn núi đối diện Trạm qua mặt vịnh không gợn sóng kia, anh Phạm Thế Toàn, Phó Trạm Kiểm lâm Cái Lim, cho hay, đó chính là khu Máng Hà, nơi được Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đề xuất làm điểm nghỉ đêm cho các tàu du lịch lưu trú trên vịnh Bái Tử Long. Và chỉ cách trạm có một quãng không xa là bãi tắm Cái Lim, với bờ cát trắng phau nằm ven chân núi...
Các điểm đến kể trên đã được Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đề xuất UBND tỉnh công nhận, đưa vào tuyến lưu trú 3 ngày 2 đêm trên vịnh Bái Tử Long trong thời gian tới, với lịch trình Cảng Ao Tiên - vụng Trà Thần - bãi tắm Cái Lim - điểm đỗ ngủ đêm Máng Hà - Cái Đé - Cảng Ao Tiên.
Chúng tôi rời đảo khi bóng tối đã bao phủ lên vạn vật. Vườn quốc gia Bái Tử Long vẫn còn hoang sơ, chưa có bóng dáng của khách du lịch thuần tuý nên tiễn chúng tôi chỉ có những dãy núi nối tiếp trải dài như bức tường thành bí ẩn. Mặt vịnh im lìm như chìm trong giấc ngủ sâu, thi thoảng le lói ánh đèn từ một con tàu đánh cá đi qua hay từ một bè nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh. Ngước lên trời, ngoài ánh sao Hôm đầu tối, giờ đã có vô vàn ánh sao. Gần tới bờ thì những khu đô thị xa xa, bến cảng cao cấp Ao Tiên hiện ra trong lung linh ánh đèn...
Khung cảnh khiến tôi lại nghĩ tới dáng những người gác đảo trên bến chiều và giấc mơ làm du lịch sinh thái của các anh. Cần lắm một sự thay đổi cho những con người bền bỉ giữ rừng, cần lắm cho nhiều người biết tới hơn vốn quý của rừng, để trân trọng hơn, để làm giàu hơn cho đất, cho người trên mảnh đất Vân Đồn ngàn năm lịch sử này.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()