Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:37 (GMT +7)
Cải lương vào điện ảnh - không dễ hút hồn người xem
Thứ 6, 16/06/2023 | 07:38:23 [GMT +7] A A
Đưa cải lương vào điện ảnh là một bước đi mới đầy thử thách với các nhà làm phim Việt.
Tạo dấu ấn mới mẻ
Nói một cách khách quan, việc lồng cải lương vào điện ảnh tạo được sự mới lạ, thu hút khán giả ra rạp. Tuy nhiên, để tạo sự hấp dẫn, đề tài của phim cần phải được chọn kĩ, nên chọn những câu chuyện có tính cách độc đáo, lịch sử, thời đại… để người xem cảm thấy thú vị, mới mẻ và nhiều điều bất ngờ - yếu tố tiên quyết hàng đầu góp phần làm nên thành công của các tác phẩm.
Lựa chọn diễn viên hát cải lương tốt cũng được nhà sản xuất lưu ý. Một phim hay không chỉ phụ thuộc vào đề tài, còn phụ thuộc vào diễn viên.
Trong phim “Sài Gòn, anh yêu em”, diễn viên Ngọc Giàu và Thanh Nam đã lấy không ít nước mắt khán giả. Người xem ấn tượng với bối cảnh xưa cũ trong phim, đặc biệt những câu hát cải lương một thời của hai nghệ sĩ. Không bất ngờ, khi phim được vinh danh giải Cánh diều Vàng 2016.
Để đưa yếu tố cải lương vào phim, tất nhiên, cần lựa các diễn viên có kinh nghiệm và năng lực biểu diễn cải lương. Màn biểu diễn trên sân khấu đám cưới của NSND Bạch Tuyết trong “Biệt đội rất ổn” được đánh giá cao. Trích đoạn Đời Cô Lựu Bạch Tuyết thể hiện trong phim mang ý nghĩa đặc biệt, được xem như điểm sáng, dù tổng thể, bộ phim không được người xem “lưu ý”...
Trong phim “Bao giờ hết ế” của đạo diễn Nguyễn Thành Vinh cũng có cải lương: Một phân đoạn ngắn thể hiện cảnh tuyển rể thông qua việc hát cải lương. Có bốn nghệ sĩ là NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Thanh Nam hát cải lương trong phim.
Cái hay của việc lồng cải lương vào điện ảnh
Để đảm bảo sự hoàn hảo của yếu tố cải lương trong phim, đạo diễn cần phối hợp một cách tinh tế giữa văn hóa đặc trưng và tinh thần của câu chuyện. Việc liên kết hợp lí giữa nội dung - cấu trúc phim với yếu tố cải lương là điều rất quan trọng.
Đồng thời ca từ, bài bản, giai điệu phải được lựa chọn tương ứng với bối cảnh, phục trang và giai đoạn lịch sử của câu chuyện. Lời ca trong phim cũng cần phải được truyền tải đầy cảm xúc và linh hồn của nghệ thuật cải lương.
Một số bộ phim cải lương nổi tiếng như: “Đời Cô Lựu”, “Đêm hoa đăng”, “Mây trắng”, “Thiên mệnh anh hùng”… đã chiếm được cảm tình của khán giả. Việc đem những trích đoạn “một thời” này vào điện ảnh là một định hướng mới, hợp lí giúp đưa những giá trị truyền thống đến gần hơn với khán giả hiện đại.
Bộ phim “Song Lang” thành công - đạt được sự cân bằng. Bên cạnh lấy cải lương làm mạch chính câu chuyện, bộ phim còn thành công tái hiện vở diễn Mỵ Châu Trọng Thủy. Những ca từ da diết sâu lắng cùng không gian thế kỉ trước, thời huy hoàng của cải lương được xây dựng chân thật, gợi về nhiều kỷ niệm của khán giả.
Với nỗ lực của các nhà làm phim và diễn viên, hình ảnh cải lương đã được cải thiện, phù hợp với bối cảnh, tình huống trong phim. Yếu tố âm nhạc, ánh sáng cũng được khai thác tuyệt vời; những bài hát đầy cảm xúc, cùng với ánh sáng tạo nên không gian hoàn hảo cho chuyện phim.
Không nên lạm dụng cải lương vô tội vạ
Trong một phim điện ảnh, có thể sử dụng những đoạn hài kịch, bữa tiệc, câu chuyện cổ tích hoặc các tình huống đặc biệt để đưa yếu tố cải lương vào. Các diễn viên cải lương cũng có thể được yêu cầu đóng vai phụ trong phim để tăng tính thực tế. Tuy nhiên, không phải phim nào lồng yếu tố cải lương vào cũng đều thành công.
Giọng ca của nghệ sĩ Thanh Hằng trong phần kết “Cù lao xác sống” nhận nhiều ý kiến trái chiều. Việc nữ ca sĩ cất tiếng hát để thu hút zombie được cho là thừa, các nhà bình luận cho rằng, việc chèn yếu tố cải lương vào phân đoạn đó là bất hợp lí, khán giả thì xem việc đó như “trò hề” và bộ phim cũng không được đánh giá cao về mặt nội dung.
Như vậy, có thể thấy không phải cứ đưa cải lương vào phim đều hợp lí. Việc lạm dụng cải lương rồi gắn mác truyền bá nghệ thuật truyền thống đôi khi phản tác dụng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()