Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 19:25 (GMT +7)
Cải thiện mạnh mẽ trong phục vụ nhân dân
Thứ 6, 09/06/2023 | 08:40:44 [GMT +7] A A
Sau 5 năm thực hiện, Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương. Đồng thời, giúp các cấp chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, từ đó cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa để phục vụ nhân dân.
Chỉ số DGI năm 2022 được thực hiện đánh giá trên 8 chỉ số nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 84 chỉ báo. Trong đó, toàn bộ 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử đều trùng khớp với các chỉ số nội dung của PAPI cấp tỉnh.
Triển khai khảo sát DGI năm 2022, Sở Nội vụ đã tham mưu báo cáo UBND tỉnh lựa chọn ngẫu nhiên 40 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Mỗi đơn vị cấp xã lựa chọn ngẫu nhiên 25 người dân sinh sống 2 tổ, thôn, khu phố để tiến hành điều tra. Toàn bộ 1.000 phiếu khảo sát đều được số hóa và được tổng hợp, xử lý dữ liệu trên phần mềm của máy tính bảng, bảo đảm tính khách quan, trung thực.
Kết quả khảo sát sau khi thu về cho thấy, cơ bản việc thực hiện hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng được cải thiện. Trong 8 chỉ số nội dung được đánh giá, có 3 chỉ số nội dung được người dân đánh giá cao (Quản trị môi trường, Quản trị điện tử, Cung ứng dịch vụ công). Đây đều là những nội dung công tác được tỉnh triển khai đạt nhiều kết quả khả quan trong năm 2022. Điển hình, với Chỉ số quản trị môi trường đã phản ánh khách quan ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú cũng như sự nghiêm túc của chính quyền, doanh nghiệp đầu tư ở địa phương trong bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao ý thức của người dân để cải thiện và bảo vệ môi trường. Các cấp chính quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trọng tâm về công tác bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các KCN, CCN, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí… Tỉnh cũng kiên định và đặt ra lộ trình khá bài bản nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, mạnh tay trong thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường…
Hay như ở Chỉ số Quản trị điện tử và Cung ứng dịch vụ công, đánh giá của người dân cũng đã cho thấy kết quả thực tế trong triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số của các cấp chính quyền tỉnh. Tỉnh đã luôn đặt mục tiêu và quyết tâm đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Trong đó, nhiều nội dung có những bước tiến vượt bậc, như: Thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”; đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo xu hướng chuyển đổi số; tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, xử lý công việc trên môi trường điện tử; cung cấp tối đa các dịch vụ tiện ích số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trong giải quyết TTHC để tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau…
Những kết quả tích cực từ Quản trị điện tử và Cung ứng dịch vụ công đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng công việc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức khi đến giải quyết các TTHC liên quan, đồng thời giảm tối thiểu việc nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC.
Cùng với các Chỉ số nhận được sự đánh giá cao của người dân, kết quả khảo sát DGI cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, như: Việc công khai minh bạch trong cung cấp thông tin và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đạt mức người dân kỳ vọng; hay mức độ hiệu quả trong việc giải trình, tiếp xúc và tương tác với người dân của cán bộ, công chức có nơi còn chưa cao; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã, phường, thị trấn có khi chưa đầy đủ, có nơi mang tính hình thức; một số địa phương chưa bàn bạc, trao đổi và xin ý kiến về quyết định đầu tư, thiết kế, mức đóng góp... với người dân khi tu sửa, xây mới công trình công cộng…
Từ kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số DGI, các địa phương trong toàn tỉnh là cơ sở để so sánh và học tập kinh nghiệm những cách làm hay; có giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Minh Hà
- Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
- Khảo sát, đánh giá DDCI: Động lực nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp
- Cải cách thể chế, môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp
- TP Hạ Long: Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng điều hành
Liên kết website
Ý kiến ()