Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:57 (GMT +7)
Cạm bẫy rình rập trẻ em trên không gian mạng
Thứ 2, 28/11/2022 | 16:02:50 [GMT +7] A A
Internet mở ra chân trời kiến thức, cũng như nguồn giải trí vô tận. Thế nhưng, ẩn họa vẫn luôn chực chờ nếu người dùng chưa có sự chuẩn bị đủ tốt.
Trẻ em Việt Nam sử dụng nhiều Internet
Với tốc độ phát triển nhanh và định hướng bắt nhịp xu hướng thế giới, Việt Nam trong những năm qua đã vươn lên trở thành quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, đứng thứ 13 thế giới, chiếm khoảng 73,2% dân số.
Những con số cho thấy Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu là trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trong đó, 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet thông qua hạ tầng cáp quang, mạng di động.
Thực tế theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 3/8 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.
"Chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay". Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) tại Hội thảo Thực tiễn và Giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tổ chức ngày 25/11 vừa qua.
Ông Tuân nhấn mạnh Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống - đặc biệt đối với trẻ em, đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hàng ngày.
Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn. Thế nhưng, việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro.
Nhiều cạm bẫy chực chờ
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến 11/2022, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận 356.681 cuộc gọi. Trong số đó, nhiều trường hợp được xếp loại có vấn đề xâm hại trên môi trường mạng, cần can thiệp khẩn cấp, hoặc xin được tư vấn, hỗ trợ thông tin.
Điều đáng lo ngại là một số phụ huynh hiện nay có xu hướng mắng nhiếc, cấm đoán đối con em mình khi phát hiện thấy trẻ xem các nội dung không phù hợp với lứa tuổi, hoặc tỏ ra thắc mắc về vấn đề này.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hành động này không giải quyết được vấn đề, mà trên thực tế càng làm trẻ thêm tò mò, giấu diếm, cũng như có tâm lý né tránh khi nói về các chủ đề nhạy cảm. Từ đó khiến trẻ dễ trở thành nạn nhân của những "cạm bẫy", đang chực chờ sẵn trên không gian mạng.
Một trong những mối lo ngại đáng kể nhất là việc trẻ dễ tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển. Ngoài ra, trẻ em vốn là đối tượng dễ bị đánh lừa, nên đối mặt nguy cơ bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí mại dâm, bị xâm hại tình dục.
Ở một mức độ ít đáng lo ngại hơn, trẻ có thể sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet, hoặc để lộ những thông tin riêng tư, thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ, cũng như của gia đình.
Theo ông Đặng Hoa Nam, cần có giải pháp tạo ra "vắc-xin số" cho từng nhóm trẻ, cha mẹ để các em sẵn sàng chia sẻ những vấn đề gặp phải khi tham gia môi trường mạng hay về các thông tin trẻ có thể tiếp cận trên mạng.
Ông Nam cũng nêu ra thực trạng hiện nay, nhiều trẻ em gặp vấn đề trên mạng nhưng không biết chia sẻ với ai, không có nơi tin cậy để chia sẻ các vấn đề mà mình gặp phải.
Ông Nguyễn Đức Tuân thì nhấn mạnh việc bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.
Theo đó, không chỉ bản thân các em, các phụ huynh phải trau dồi kiến thức, mà cả nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp viễn thông, cơ quan phụ trách về an ninh mạng... đều phải vào cuộc để bảo vệ cho những "mầm non" của đất nước.
Báo cáo của tổ chức quốc tế NCMEC năm 2021 cho thấy Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều báo cáo nhất về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Theo tổ chức Internet Watch Foundation, năm 2021 có thể nói là năm ghi nhận nhiều sự cố xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nhất với khoảng 252.000 URL/hình ảnh chứa thông tin xâm hại trẻ em trên môi trường mạng (so với 153.000 năm trước đó). Các hình ảnh xâm hại về trẻ em độ tuổi từ 7-10 được báo cáo về cũng tăng gấp 3 lần. Kết quả khảo sát của Unicef cũng cho thấy 1/3 trẻ em tham gia không gian mạng đã là nạn nhân của nạn bắt nạt trực tuyến. |
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()