Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 08:35 (GMT +7)
Cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ
Thứ 2, 17/07/2023 | 08:11:29 [GMT +7] A A
Sau khi lần lượt được thành lập, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, toàn Khu mỏ bước vào thời kỳ đấu tranh mới, hòa nhịp với cao trào cách mạng đang dấy lên trong cả nước. Tính từ tháng 3 năm 1930 đến tháng 10 năm 1930, ở Khu mỏ đã có trên 20 cuộc đấu tranh lôi cuốn được đông đảo công nhân và các tầng lớp lao động khác tham gia. Tiêu biểu trong đó là sự kiện cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, trong khí thế cách mạng sôi sục, Đảng ta chủ trương phát động một đợt đấu tranh rộng lớn trong cả nước nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1930. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, lần đầu tiên công nhân mỏ đã tổ chức kỷ niệm một cách sôi nổi, rầm rộ, rộng khắp ngày hội của lao động toàn thế giới.
Trong ngày kỷ niệm, khắp Khu mỏ đều rải truyền đơn, căng biểu ngữ, dán áp phích, treo cờ đỏ búa liềm... Ở Hòn Gai, chi bộ chủ truơng cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ để gây ảnh hưởng của Đảng sâu rộng trong quần chúng.
Đồng chí Nguyễn Thị Lưu được chi bộ phân công mua vải may cờ, đồng chí Đào Trọng Tuất (tức Nguyên Thành) được giao nhiệm vụ cắm cờ vào đêm ngày 30 tháng 4 năm 1930. Để cắm cờ thành công, đồng chí Đào Văn Tuất, người đoàn viên Công hội đỏ chuẩn bị được kết nạp Đảng, đã phải nhiều lần tiền trạm đường lên núi, khu vực cắm cờ.
Chiều ngày 30/4, đồng chí Đào Văn Tuất nhận lá cờ Đảng và nhận chỉ thị từ đồng chí Nguyễn Công Hoà (bí danh là Cát, Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh uỷ Quảng Hồng).
Vào khoảng 8 giờ tối ngày 30/4/1930, mặc dù người đi lại trên đường phố còn đông, song đồng chí Đào Văn Tuất đã quấn chặt lá cờ vào người, bình tĩnh, thận trọng, bám từng mỏm đá trèo lên núi Bài Thơ. Trèo lên đến đỉnh Mỏm Quạ, mặt mũi trầy xước vì gai, hai bàn tay và gan bàn chân rớm máu vì những mỏm đá tai mèo sắc cạnh, song người công nhân cách mạng yêu nước vẫn không chùn bước. Thận trọng cắm cờ trên đỉnh núi, đồng chí Tuất đã lấy đất đá chèn chặt cán cờ và cắt dây rừng chằng cán cờ vào các gốc cây để không bị gió làm lật.
Sau khi cắm cờ, đồng chí Tuất xuống núi về báo cáo tổ chức và cùng đồng chí Trần Văn Nghệ (tức Nguyễn Viết Lục) nhanh chóng tham gia cùng các đảng viên khác phá hệ thống đèn điện ở 3 khu vực: Hòn Gai, Cọc 5, Hà Lầm để tạo điều kiện cho đồng đội rải truyền đơn và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khác trong đêm.
Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1930, lá cờ đỏ búa liềm được cắm trên núi Bài Thơ tung bay trước gió như vẫy gọi công nhân và nhân dân Khu mỏ đứng lên đấu tranh. Từ các ngả đường, công nhân thị xã Hòn Gai, công nhân ở Cột 5, Hà Tu, Hà Lầm ùn ùn đổ ra, người dưới thuyền cũng lên bờ tham gia biểu tình. Cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động ngày 1 tháng 5 năm 1930 ở Khu mỏ đã tạo tiếng vang rất lớn.
Cờ Đảng được cắm ở trung tâm kinh tế, chính trị của địch ở Khu mỏ, nơi được chính quyền thực dân và chủ mỏ bảo vệ cẩn mật càng làm cho bọn chúng thêm hoảng sợ. Chúng phải huy động lực lượng cảnh sát, mật thám để lùng sục hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Trái lại, quần chúng lao động càng náo nức, khâm phục, sáng một niềm tin vào cách mạng, vào ngọn cờ của Đảng dẫn dắt họ đấu tranh giành quyền sống.
Đợt đấu tranh ngày 1 tháng 5 năm 1930 là một bước ngoặt đôi với phong trào cách mạng năm 1930-1931 ở Khu mỏ. Nó chứng minh rằng khi Đảng ta ra đời, người công nhân mỏ được tập hợp lại dưới lá cờ của Đảng đã tiến lên đấu tranh có tổ chức và liên tiếp giành được nhiều thắng lợi. Những cuộc đấu tranh trong dịp kỷ niệm ngày 1 tháng 5 năm 1930 là một cuộc tập dượt lực lượng cách mạng của quần chúng Khu mỏ trong ngày hội của lao động toàn thế giới.
Ngọc Linh (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()